Những luận điệu trên là hoàn toàn sai trái, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc sự thật. Sau nhiều thập kỷ chiến tranh khốc liệt, Việt Nam hiện nay là một quốc gia có tỷ lệ người tàn tật rất cao với khoảng 7 triệu người (chiếm hơn 7,8% dân số), trong đó có trên 3 triệu người do hậu quả chiến tranh, gần 1,5 triệu người tàn tật nặng.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đối với những người có công với nước, “Thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, Việt Nam luôn thực hiện chủ trương gắn việc phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, Chính phủ rất quan tâm giúp đỡ, chăm sóc và tạo mọi cơ hội bình đẳng cho người bị thiệt thòi, trong đó có người tàn tật và khuyết tật. Điều 59 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “… Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”. Điều 61 của Hiến pháp này cũng nêu cụ thể: “Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề”.
Hệ thống pháp luật về người khuyết tật ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện theo hướng bảo đảm sự tương đồng với Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật. Đặc biệt, bằng việc ban hành Luật Người khuyết tật năm 2010, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về người khuyết tật. Sau khi ban hành Luật Người khuyết tật Việt Nam đã xây dựng 13 văn bản dưới Luật là các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật, có liên quan tới truyền thông, thể thao, du lịch, tiếp cận an sinh xã hội.
Nhà nước Việt Nam khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho người tàn tật thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội. Người tàn tật được Nhà nước và xã hội trợ giúp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng tạo việc làm phù hợp và được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật. Luật Người khuyết tật Việt Nam 2010, tại Điều 11 chính thức ghi nhận ngày 18 tháng 4 hằng năm là Ngày Người khuyết tật Việt Nam. Bộ Luật lao động Việt Nam đã quy định các doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm nhận lao động là người tàn tật vào làm việc với tỷ lệ từ 2% đến 3% so với tổng số lao động. Doanh nghiệp nào không thực hiện được thì trích một phần lợi nhuận để đóng góp vào quỹ hỗ trợ việc làm cho người tàn tật.
Cho đến nay, hầu hết số người tàn tật nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ đã thường xuyên được trợ cấp xã hội. Cả nước hiện có hơn 200 cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó 75% là do Nhà nước thành lập và cấp kinh phí nuôi dưỡng. Hệ thống các Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng đã trợ giúp dụng cụ chỉnh hình và xe lăn cho nhiều người tàn tật. Các cơ sở y tế đã khám, chữa bệnh miễn phí cho người tàn tật nặng và trẻ em nghèo tàn tật. Trên 6.000 trẻ em tàn tật đã theo học tại 70 trường chuyên biệt và trên 50.000 trẻ em tàn tật khác được theo học tại các trường khác. Các chương trình quốc gia về đào tạo nghề, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với người tàn tật trong cả nước, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Hai trường dạy nghề cho người tàn tật thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hằng năm thu hút khoảng 1.500 người vào học nghề. Các tổ chức xã hội như Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi, Hiệp hội Thể thao người khuyết tật, Hội Người mù Việt Nam, cũng tham gia tích cực vào việc tạo việc làm cho người tàn tật, thu hút hàng nghìn người mù và người tàn tật khác làm việc. Cho đến nay đã có trên 400 cơ sở sản xuất kinh doanh do người tàn tật thành lập và quản lý, với 150.000 người tàn tật làm việc, được Nhà nước hỗ trợ. Người điếc được tham gia các câu lạc bộ, được hỗ trợ máy trợ thính, được học văn hóa, được ưu tiên bố trí việc làm. Cùng với sự quan tâm, chăm sóc của Nhà nước và xã hội, bản thân người tàn tật đã không ngừng vươn lên để thật sự hòa nhập cộng đồng. Người tàn tật tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa. Nhiều vận động viên là người tàn tật tham gia thi đấu quốc tế và giành huy chương. Hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao thật sự đã trở thành một trong những cầu nối trực tiếp để người tàn tật hòa nhập cuộc sống, xây dựng niềm tin và thái độ ứng xử bình đẳng của xã hội với người tàn tật.
Việt Nam luôn tham gia và hưởng ứng tích cực các hoạt động của cộng đồng quốc tế vì người tàn tật. Việt Nam đã ký vào bản Tuyên bố năm 1993 về sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của nguời tàn tật trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Cuộc vận động hưởng ứng Thập kỷ khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì người tàn tật. Tháng 1-2001, Ban Điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được thành lập. Sau gần 25 năm hoạt động, Ban Điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam đã có nhiều đóng góp, tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Liên hợp quốc, Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các chương trình hành động khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đôn đốc, theo dõi, giám sát các chính sách, chế độ đối với người tàn tật, góp phần thúc đẩy việc ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn đầu tiên ở Việt Nam về xây dựng các công trình bảo đảm người tàn tật tiếp cận sử dụng nhằm hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước được Uỷ ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương đánh giá tốt về việc thiết lập kế hoạch và triển khai kịp thời “Khuôn khổ hành động thiên niên kỷ hướng tới một xã hội hoà nhập, không vật cản và vì quyền của người tàn tật”.
Thực tế trên đã chứng minh tại Việt Nam, người khuyết tật không hề bị bỏ rơi. Mặc dù còn gặp khó khăn, nhưng bảo đảm quyền cho người khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nỗ lực thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Thực tế đó đã bác bỏ hoàn toàn những luận điệu của các thế lực thù định, phản động đang cố tình xuyên tạc, trắng trợn bóp méo sự thật thực thi chính sách, pháp luật về quyền của nạn khuyết tật ở Việt Nam./.
TH