PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM XUYÊN TẠC, SAI TRÁI VỀ TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM
Cập nhật 18/07/2024

Dân chủ, nhân quyền là những vấn đề nhạy cảm và phức tạp, phản ánh bản chất, thể chế chính trị của mỗi quốc gia. Do vậy, các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề này để chống phá các nước XHCN, trong đó có Việt Nam.

 

Cùng với đó, các vấn đề về môi trường có tác động trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân, được đông đảo người dân quan tâm. Do đó các đối tượng lựa chọn vấn đề môi trường là một trong những mũi nhọn để đẩy mạnh các hoạt động chống phá, đưa ra các luận điệu xuyên tạc bởi dễ thu hút dư luận, dễ kích động, lôi kéo người dân.

Gần đây, ngày 22/6/2024, trên trang blog VOA Tiếng Việt “Việt Nam nói họ cam kết bảo vệ nhân quyền, hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương”, nội dung xuyên tạc phát biểu của Việt Nam thay mặt Nhóm nòng cốt chủ trì giới thiệu Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người tại buổi khai mạc khoá họp lần thứ 56 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam; vu cáo chính quyền “đang đi ngược lại các cam kết về chuyển đổi năng lượng xanh”, “đàn áp khốc liệt và bỏ tù có động cơ chính trị những chuyên gia bảo vệ môi trường”; đồng thời, hạ thấp uy tín, vị trí, vai trò của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Có thể nhìn nhận rõ, các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam hiện nay gồm: lực lượng cực hữu, một số nghị sĩ cực đoan tại một số nước phương Tây, các nhóm phản động người Việt Nam ở nước ngoài và những cá nhân người Việt ở trong nước bị các thế lực cực hữu nước ngoài mua chuộc, lợi dụng, núp bóng “ngọn cờ dân chủ”, “nhân quyền” chống phá nền tảng tư tưởng và chế độ chính trị - xã hội tại Việt Nam. Chúng triệt để lợi dụng vấn đề còn gây bức xúc trong nhân dân để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; ra các “thông cáo”, “nghị quyết”, “báo cáo”, “bản điều trần” xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm “nhân quyền”, đàn áp tôn giáo, đàn áp những người “bất đồng chính kiến”; gây sức ép về chính trị, kinh tế, ngoại giao nhằm thực hiện mục tiêu “chuyển hóa dân chủ” đối với Việt Nam.

Đầu tiên phải khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam không chỉ nhận thức rõ nhân quyền/quyền con người là giá trị phổ quát đối với nhân loại, mà còn chú trọng thực thi đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thực tiễn. Càng nhiều khó khăn, thử thách, Việt Nam càng coi trọng và tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Cùng với đó, chỉ từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2022, việc Quốc hội Việt Nam thông qua gần 60 luật, nghị quyết có liên quan đến quyền con người, quyền công dân phù hợp với Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia… đã cho thấy những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong xây dựng, triển khai các chính sách để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Gần 40 năm qua kể từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó có việc bảo đảm nhân quyền góp phần ổn định và phát triển bền vững đất nước. Việt Nam cũng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và luôn được đánh giá là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Vì thế, những luận điệu quy chụp rằng Việt Nam “đàn áp” người “dũng cảm” đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền; Việt Nam “triệt tiêu nhân quyền” và ở Việt Nam thì “nhân quyền chỉ còn ở trên giấy” chính là sự suy diễn phản động nhằm xuyên tạc, bẻ cong sự thật của các thế lực thù địch, các phần tử phản động, cơ hội!

Về vấn đề bảo vệ môi trường, Điều 43 Hiến pháp năm 2013 quy định:“Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Kế thừa và phát triển các quan điểm của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra quan điểm, chủ trương thể hiện tính chiến lược và quyết tâm của Đảng trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là: Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Như vậy, trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào, Đảng và Nhà nước ta luôn thể hiện quan điểm nhất quán về bảo vệ môi trường, coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường và nhận thức rõ tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững đất nước.

Việc thực hiện chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường ở Việt Nam thời gian qua đã thu được nhiều thành tựu, đó là: “Hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được tiếp tục hoàn thiện và tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả… Qua 5 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội - môi trường (2016 -2020) cho thấy: “Một số chỉ tiêu môi trường đạt được và vượt kế hoạch. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đến năm 2020 đạt khoảng 90%, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh ước đạt 90,2%, tăng mạnh so với năm 2015 (86%). Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường năm 2020 là 90%. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 khoảng 42%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021, Chính phủ Việt Nam đã tham dự Hội nghị COP26 tại Glassgow (Scotland, Vương quốc Anh). Tại Hội nghị, Việt Nam đã tiên phong trong bảo vệ môi trường khi cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Như vậy có thể thấy những luận điệu được đưa ra trên trang blog VOA Tiếng Việt vừa qua chỉ là những luận điệu xuyên tạc, hoàn toàn sai trái.

Trước âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác và có biện pháp đấu tranh hiệu quả, coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, vận động nhân dân cùng tham gia giám sát, phản biện, góp ý kiến trong việc hoạch định cơ chế, chính sách nhằm góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường thực hiện tốt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; đồng thời kiên quyết đấu tranh vạch trần các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, các thông tin thêu dệt, bịa đặt, bóp méo sự thật trên không gian mạng./.

TH

Tin liên quan
Xem tin theo ngày