Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Huế trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương
Cập nhật 27/11/2020

Sáng ngày 27/11/2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội thảo "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Huế trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc trung ương". Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh cùng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham gia.

Tại Hội thảo, đã có 24 bài viết tham gia với các chủ đề đa dạng, trên nhiều khía cạnh, được thực hiện công phu, với nội dung thiết thực. Tập trung vào 2 nội dung chính là "Đặc điểm, bản sắc văn hóa Huế"; "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế".


Các vị chủ trì Hội thảo


Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Hữu Lạc trình bày Báo cáo đề dẫn tổng thuật tại Hội thảo

Đặc điểm, bản sắc văn hóa Huế

Đây là chủ để được một số tác giả khoa học quan tâm nghiên cứu với trọng tâm về lịch sử và đặc điểm của văn hóa Huế, tác giả Nguyễn Xuân Hoa khi bàn về lịch sử hình thành văn hóa Huế cho rằng: “Trong văn hóa Huế, di sản văn hóa Chămpa là một lớp trầm tích văn hóa rất sâu, là một trong những thành tố có vị trí khá đặc biệt, góp phần cấu thành bản sắc văn hóa Huế.”


Nhà nghiên cứu Huế - Nguyễn Xuân Hoa trình bày vấn đề về di sản văn hóa Chămpa

Bên cạnh đó, cũng bàn về lịch sử văn hóa Huế, PGS.TS Đỗ Bang cho rằng: “Văn hóa Phú Xuân đã lan tỏa ra cả nước qua dòng chảy di cư và giao thoa các vùng miền với tư cách là trung tâm chính trị, văn hóa của Đàng Trong và kinh đô của cả nước… Văn hóa Phú Xuân là nguồn lực tạo nên sức sống mới của Đại Việt trong thế kỷ XVII-XVIII và là nền tảng vững chắc để có văn hóa Huế trong thế kỷ XIX về phương diện kiến trúc cung đình, quy hoạch kinh thành, đô thị; về ẩm thực, âm nhạc, sân khấu, trước tác, giáo dục- đào tạo, y học, sử học, luật pháp… Trở thành di sản văn hóa đặc trưng của dân tộc có giá trị toàn cầu”.


PGS.TS Đỗ Bang với vấn đề "Đặc điểm Văn hóa Phú Xuân thế kỷ XVII - XVIII"

Trong dòng chảy đó, sự tác động của bối cảnh lịch sử và văn hóa xã hội thời kỳ tiền Nguyễn đã “định hình và phát triển xứ Đàng Trong, nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của đất nước với các quốc gia khác trong khu vực. Đây cũng là thời kỳ phát triển của các loại hình nghệ thuật, trong đó nghệ thuật trang trí trên đồ đồng đã ghi dấu rất rõ nét thông qua những di vật đồ đồng hiện còn lưu giữ tại các khu di tích Cố đô Huế. Nghệ thuật đồ đồng thời Nguyễn nằm trong sự giao lưu và tiếp biến của nhiều luồng văn hoá khác nhau, vì vậy việc làm sáng tỏ giá trị nghệ thuật của thời kỳ này sẽ góp phần trong việc đưa ra các nhận định mới về văn hoá mỹ thuật Nguyễn nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung.” – Nhà nghiên cứu Phan Lê Chung. Sự hình thành và phát triển của đô thị Huế cũng được tác giả Phan Tiến Dũng nhấn mạnh: “Những giá trị về di sản đô thị đã thể hiện một quá trình phát triển của đất nước qua nhiều thế kỷ và cũng làm cho Huế trở thành đô thị đặc biệt không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn trên bình diện quốc tế, giá trị trên đem lại sự tự hào cho đất nước Việt Nam. Có thể nói, ở Việt Nam, đô thị Huế là nơi còn giữ được tính gắn kết của quá khứ, hiện tại, tương lai.”...

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế

Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường...”, vì vậy, việc tìm ra các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa Huế trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tiếp theo sẽ là yêu cầu, nhiệm vụ mang tính cấp thiết, góp phần cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng thời, qua đó thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế nhằm triển khai hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế một cách toàn diện, đồng bộ và mang tính định hướng, chiến lược lâu dài.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và tác giả Phan Thanh Hải – Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh về tầm quan trọng song song với việc bảo tồn và phát huy giá trị áo dài: “Có thể nói rằng Huế là nơi sản sinh và nuôi dưỡng chiếc áo dài Việt Nam. Dù nhu cầu, phong cách thời trang của con người có thể thay đổi, nhưng áo dài vẫn sẽ là trang phục truyền thống, nét đặc trưng trong di sản văn hoá Huế và tượng trưng cho vẻ đẹp của phụ nữ Huế nói riêng, Việt Nam nói chung” – Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm lịch sử. Từ chiếc áo dài xứ Bắc xưa xẻ giữa thân trước thành hai vạt không có khuy, đến chiếc áo dài Đàng Trong mà vạt được xẻ thành tà áo. Áo dài Huế ra đời từ chính tâm hồn và nét thẩm mỹ của người Huế, mang trên đó những nét duyên dáng riêng có của mảnh đất Thần kinh. Có lẽ cũng kể từ đó, phụ nữ Huế luôn coi áo dài như là một trang phục thường ngày chứ không chỉ dùng trong những dịp lễ, Tết hay sự kiện đặc biệt nào đó và tùy theo điều kiện kinh tế mà ai cũng có vài bộ áo dài dành cho riêng mình. Vì vậy, Áo dài Huế là một di sản văn hóa phi vật thể xứng đáng được ghi danh, bảo vệ và phát huy giá trị như một di sản quốc gia và hơn thế nữa là của nhân loại.” – Theo tác giả Phan Thanh Hải, Trần Văn Dũng.


TS Phan Thanh Hải với vấn đề Áo dài Huế

Việc bảo tồn và phát huy tín ngưỡng, tôn giáo song hành với văn hóa Huế được cụ thể hóa với các chuyên luận của các tác giả. Trong đó khi nói về tín ngưỡng thờ Mẫu, tác giả Nguyễn Hữu Phúc cho rằng: Tín ngưỡng dân gian Huế nói chung, tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ nói riêng đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc lưu giữ những nét đặc sắc, độc đáo riêng có so với các vùng miền khác trên đất nước Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ của người Huế cũng được các cộng đồng tạo dựng gắn liền với các hoạt động sinh kế và niềm tin tâm linh”. Tác giả Hòa thượng Thích Huệ Phước cũng nêu quan điểm về vai trò của phật giáo với du lịch Huế: “Với hệ thống chùa tháp, trên 100 ngôi chùa cổ, hàng chục tổ đình, tôn tượng pháp khí; các nghi lễ Phật giáo, sinh hoạt văn hóa thông qua các lễ hội, văn hóa ẩm thực chay; tính đa dạng trong hệ cảnh quan, kiến trúc... được luân chuyển trong đời sống thường nhật, Phật giáo Huế có khả năng tạo sự chú ý và lực hút trong du lịch, nhất là du lịch văn hóa tâm linh”.


Hòa thượng Thích Huệ Phước trình bày về đóng góp của Phật giáo
trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế

Ở tầm vĩ mô, các chuyên luận công phu của các tác giả Phan Thanh Hải và Hồ Đăng Thanh Ngọc làm nổi bật nhiệm vụ, giải pháp. Tác giả Phan Thanh Hải nhấn mạnh “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạt được nhờ vào việc bảo tồn phát triển thương hiệu “thành phố/đô thị di sản”. Để kinh tế du lịch di sản làm động lực phát triển đô thị thì Thừa Thiên Huế phải hướng tới xây dựng một “thành phố du lịch di sản”. Vấn đề là phải giữ vững nguyên tắc bảo tồn để phát triển và không đánh mất đi bản sắc riêng của Huế”.

Ngoài ra, Hội thảo lần này còn được tô điểm phong phú hơn với các chuyên luận về “Cải tiến việc tổ chức lễ tang ở Huế trong tình hình mới” của tác giả Hoàng Chí Hiếu – Trương Tiến Đạt hay Bảo tồn nét văn hóa và phát triển nhãn hiệu tập thể "sen Huế" cho các sản phẩm sen của tỉnh” của Hội Nông dân tỉnh.


Chủ tịch Hội nông dân tỉnh trình bày bài viết về Sen Huế



PGS.TS Hoàng Chí Hiếu với bài viết về Cải tiến việc tổ chức lễ tang ở Huế trong tình hình mới

Sau khi nghe một số đại biểu trình bày các bài viết của mình, Hội thảo đã dành thời gian thảo luận, tập trung trao đổi, phản biện một số vấn đề còn chưa rõ hoặc có ý kiến chưa đồng tình như về: Thuật ngữ "Kinh đô phật giáo" của thầy Thích Thiên Tuệ, "Văn hóa Phú Xuân" của PGS.TS Đỗ Bang và một số vấn đề về việc "Cải tiến việc tổ chức lễ tang ở Huế trong tình hình mới" của PGS.TS Hoàng Chí Hiếu và CN. Trương Tiến Đạt.


Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh trao đổi và phản biện một số vấn đề tại Hội thảo


Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa trao đổi về vấn đề thuật ngữ "Huế - Kinh đô Phật giáo"

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Lạc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Chủ trì Hội thảo cám ơn và đánh giá cao các công trình nghiên cứu công phu của các tác giả tham gia Hội thảo. Những bài viết tại Hội thảo đã đạt làm rõ hơn một số vấn đề về: Đặc điểm, bản sắc văn hóa Huế trong tiến trình lịch sử; Vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố Trực thuộc Trung ương; Phát triển du lịch di sản Huế  - Bài học kinh nghiệm và giải pháp phát triển. Sự thành công của Hội thảo cũng thể hiện vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong việc góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Huế, qua đó thực hiện thành công Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.


Ban Tổ chức, Chủ trì Hội thảo và một số khách mời, tác giả, nhà nghiên cứu chụp hình lưu niệm

Thiên Sơn
Tin liên quan
Xem tin theo ngày