Một cán bộ cách mạng dày dạn kinh nghiệm
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh sinh ngày 15/7/1910 ở xã Nghi Thọ (nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Tham gia hoạt động yêu nước và cách mạng từ rất sớm, bị bắt khi còn ở tuổi vị thành niên (từ năm 1928) và bị kết án 18 tháng tù, ngay sau khi ra tù, đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một trong những cán bộ nòng cốt của phong trào Xô-Viết trên quê hương Nghi Lộc với cương vị Bí thư Huyện ủy. Vì ‘tội” này, năm 1932, đồng chí lại bị tòa án thực dân kết án 13 năm tù, năm 1935 bị đày ra Côn Đảo. Năm 1941, dù đã ra tù nhưng vẫn bị coi là “phần tử nguy hiểm” nên đồng chí tiếp tục bị chính quyền thực dân đưa lên nhà ngục Kon Tum đến tháng 5/1945 mới được trả tự do.
Trải qua hơn 15 năm trong ngục tù đế quốc, qua những “địa ngục trần gian” khủng khiếp nhất Đông Dương khi đó, được tiếp xúc và học hỏi lý luận, kinh nghiệm thực tiễn từ những “đàn anh” cách mạng (Tôn Đức Thắng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn An Ninh, Phạm Văn Đồng...), đồng chí Nguyễn Duy Trinh trưởng thành từ cuộc đấu tranh và trở thành một cán bộ cách mạng dày dạn kinh nghiệm.
Những kinh nghiệm sau này đã được đồng chí phát huy trên nhiều cương vị quan trọng mà Đảng và Nhân dân giao phó: Bí thư Khu ủy Liên khu V kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ (từ năm 1949); Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước (từ năm 1958), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao (từ năm 1965 đến năm 1980); Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị nhiều khóa; đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I đến khóa VII; Thường trực Ban nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội của Trung ương Đảng và Chính phủ (từ năm 1982).
Tên tuổi gắn liền với nhiều hoạt động ngoại giao sôi nổi, cam go
Tên tuổi Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh gắn liền với nhiều hoạt động ngoại giao sôi nổi và đầy cam go, quyết liệt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Ngoại giao trong giai đoạn cuộc chiến đấu trên cả hai miền Nam - Bắc trải qua những thử thách khốc liệt nhất, ông là người đại diện nói lên quyết tâm đanh thép Không có gì quý hơn độc lập tự do của Nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế. Với cương vị Bộ trưởng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh không đàm phán trực tiếp tại Paris nhưng cùng với Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, ông theo sát tình hình và đưa ra những chỉ đạo kịp thời với mỗi biến động nhỏ nhất trên bàn hội nghị. Phía đối phương và giới bình luận quốc tế luôn theo dõi sát từng câu từng chữ phát biểu của ông để tìm ra “điều mới mẻ trong những tuyên bố mạnh mẽ”.
Ngày 27/1/1973 lịch sử tại Paris, bốn ngoại trưởng đã phải 32 lần đặt bút ký vào các văn bản của Hiệp định Paris. Có lẽ trong số những người có trách nhiệm ký Hiệp định Paris, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh là người có tốc độ ký nhanh nhất (!). Ông chỉ ký một chữ Trinh - rõ ràng, kiên quyết như lập trường cách mạng, nhưng cũng giản dị, mộc mạc như chính con người ông trong cuộc sống đời thường.
Nhà lãnh đạo đáng kính và gần gũi
Sau chiến thắng tháng 4/1975, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh sớm nêu nhiệm vụ cho ngành ngoại giao phục vụ việc khôi phục đất nước và phát triển kinh tế. Ông đã kiến tạo được nhiều mối quan hệ với các nước trong khu vực, đặt những “viên gạch” đầu tiên để Việt Nam trở thành một thành viên tích cực của cộng đồng ASEAN sau này. Ông cũng sớm chỉ đạo tổng kết kinh nghiệm đấu tranh ngoại giao trong hai cuộc kháng chiến để rút ra những bài học cho ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ai đã tiếp xúc với ông đều có ấn tượng mạnh về tính cẩn thận, điềm tĩnh, không nổi nóng nhưng rất nghiêm khắc đòi hỏi kết quả cao trong công việc của ông. Cán bộ cấp dưới không thấy Bộ trưởng của mình cáu giận quát mắng bao giờ, thậm chí chẳng thấy ông cười to. Nếu có khuyết điểm, thiếu sót chỉ thường nghe ông nhắc: “Đừng nói như vậy”, “không nên làm như vậy”. Với những lỗi nặng, ông chỉ thị: “Dặn anh em nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Đặc biệt, ông có một trí nhớ tuyệt vời. Trong thời gian ở tù tại Buôn Ma Thuột, ông và đồng chí Hồ Tùng Mậu có sáng kiến làm “tiểu thuyết miệng” để kể cho anh em như một món ăn tinh thần. Trong tù không có giấy và bút để ghi, “tiểu thuyết” Giọt máu hồng được ông “in” trong trí nhớ của mình và đọc lại bất cứ đoạn nào mà anh em bạn tù muốn nghe. Sau này, khi ở các cương vị lãnh đạo, ông luôn phát biểu đúng từng câu từng chữ trong những tuyên bố chính thức.
Với tính cẩn thận, ngăn nắp, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh thường soát xét lại từng chi tiết nhỏ nhất của mỗi công việc, dù nhỏ, dù lớn. Ông luôn giữ những thói quen tốt đẹp: cẩn thận và cần kiệm - cho mình và làm gương cho mọi người. Hình ảnh nhà lãnh đạo Bộ Ngoại giao lâu năm nhất ở Việt Nam luôn rất gần gũi với những người xung quanh. Ông mất ngày 20/4/1985.