VĂN HÓA HUẾ VỚI SỰ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH Cập nhật 18/05/2023
Thừa Thiên Huế là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa của Việt Nam, nơi đã từng gắn với tuổi thơ và sự trưởng thành của người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành. Trong thời gian ở Huế, văn hóa Huế đã ảnh hưởng sâu sắc và góp phần hình thành nhân cách Hồ Chí Minh.
Nhân cách Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển từ sự tác động đa chiều của lịch sử, xã hội, văn hóa và con người của dân tộc và thời đại, biểu hiện qua cử chỉ, hành động, phong cách của Hồ Chí Minh. Nhân cách của Hồ Chí Minh không tách rời quá trình hình thành sự tự ý thức, ý thức về sứ mệnh của chính mình mà nền giáo dục, trước hết là ở gia đình với người cha giàu lòng yêu nước, điều kiện sống của môi trường và xã hội xung quanh, không khí tư tưởng - chính trị đương thời ở một xứ sở bao giờ cũng sôi sục ý chí kiên cường bất khuất. Thực tiễn gần 10 năm sống và học tập ở Huế, văn hóa Huế đã thẩm thấu và ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức, hành động, những quyết định “lạ lùng”, cũng như định hình nhân cách cho người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.
Văn hóa Huế là sự tổng hòa các giá trị vật chất và tinh thần, truyền thống, thị hiếu và phong cách sống; được tạo nên từ quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội; khẳng định bản sắc riêng của vùng đất và con người Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế. Với cách tiếp cận này, văn hóa Huế tổng hòa các giá trị truyền thống mang đặc trưng vùng đất Kinh đô, gồm những giá trị như: yêu nước, tự tôn dân tộc, đấu tranh kiên cường, bất khuất; đoàn kết, cộng đồng, tương thân tương ái; thông minh, hiếu học, đề cao đạo lý gia phong; mạnh mẽ, cần cù trong lao động nhưng bao dung, thân thiện; hài hòa, tinh tế, mực thước, vừa cương nghị vừa lịch lãm… Văn hóa Huế được tạo nên bởi sự đặc sắc về tinh thần, đa dạng về loại hình, phong phú và độc đáo về nội dung, được thể hiện rất phong phú trên nhiều lĩnh vực như: văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, phong tục tập quán, lễ hội, cách ứng xử, ăn - mặc - ở, phong cách giao tiếp, phong cách sống.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Thừa Thiên Huế là một trong ba trung tâm văn hóa, chính trị xã hội lớn của cả nước. Trong khoảng thời gian từ năm 1895 đến năm 1909, Nguyễn Tất Thành đã theo cha vào Huế học tập. Tại kinh đô, văn hóa Huế đã tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Tất Thành và bằng sự mẫn cảm của người học trò thông minh, sự khát khao học hỏi, chiếm lĩnh tri thức mới và tâm hồn của một thanh niên yêu nước, Người đã tiếp nhận những giá trị, tinh hoa văn hóa mới để hình thành, phát triển nhân cách của bản thân.
Từ cuối năm 1895, Nguyễn Sinh Cung theo cha vào Huế nơi đây vẫn còn lưu giữ những chứng tích của sự biến “Thất thủ Kinh đô”. Sống trong Kinh thành, biến động lịch sử của đất nước từ có chủ quyền trở thành thuộc địa, nỗi nhục mất nước, tang thương đã để lại những dấu ấn khó phai trong người thiếu niên mẫn cảm ấy. Sau này, khi ông cả Khiêm thăm cụ Phan Bội Châu đang bị quản thúc ở dốc Bến Ngự đã thuật lại: “Không phải đến tuổi trưởng thành ra ngoại quốc em tôi mới ái quốc, mà từ khi đầu còn để trái đào đi chơi nghe người ta hô câu vè: “Nay mà mắc phải lâm nguy, Sự tình nông nổi cũng vì giặc Tây”, về nhà nó thương nước, trằn trọc không ngủ được[1].
Hệ quả từ chính sách cai trị hà khắc mà thực dân Pháp gây ra là cuộc sống lầm than cơ cực của nhân dân Thừa Thiên Huế. Chúng “cướp hết những ruộng đất màu mỡ, đánh vào những ruộng đất cằn cỗi những thứ thuế vô lý gấp trăm lần thuế đất thời phong kiến”[2], trăm thứ thuế, thuế gì cũng ngặt. Nhân dân Thừa Thiên Huế còn phải nai lưng làm phu đài tạp dịch như đào sông, đắp đường, phá rừng hoặc làm công sở cho thực dân Pháp. “Cái tệ sưu dịch không thể nói hết được, mỗi dân đinh một năm đóng thuế thân rồi phải mất 4 ngày công ích, 10 ngày công sưu,… người nọ đi, người kia về, nối gót nhau trên đường không ngày nào yên cả”[3]. Sự cùng khổ của nhân dân Thừa Thiên sau này cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại “nhiều phụ nữ bản xứ thống khổ, phải mang nặng gông xiềng đi quét đường chỉ vì một tội là không nộp nổi thuế”, “tất cả mọi điều mà người ta đã có thể nói ra vẫn còn ở dưới mức sự thật. Chưa có bao giờ, ở một nước nào mà người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách dã man, độc ác trắng trợn như thế!”[4].
Chứng kiến thực cảnh đó, Nguyễn Tất Thành đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh đã tham gia công tác bí mật, nhận công tác liên lạc” và “muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”[5]. Chính vì vậy, trong khoảng thời kỳ thứ hai ở Huế, Nguyễn Tất Thành đã “dấn thân” vào cuộc đấu tranh cùng với đồng bào, tham gia vào phong trào một cách tích cực, chủ động trong cả thái độ lẫn hành động chống Pháp.
Trong thời kỳ thứ hai đến Huế (1906-1909), Nguyễn Tất Thành được cha cho theo học trường Quốc Học - Huế và hiểu rõ “tâm địa thực dân” qua những bài giảng “nhồi sọ”. Tại Thiên đường Quốc học, Anh thấy rõ sự lăng mạ, gán ép cho học sinh người Việt những từ thô tục như “cochon” (đồ con lợn), “sale race” (giống bẩn thỉu), chà đạp lên phẩm giá con người, sỉ nhục dân tộc và giống nòi Việt Nam. Nền giáo dục thực dân nhồi nhét cho lớp lớp học sinh người Việt những “giá trị ảo”, những “lý lẽ ngọt ngào” của nền “văn minh khai hóa”, giáo dục cho học sinh người Việt “lòng biết ơn”, “lòng trung thành”, “tận tụy” với nước Pháp, xuyên tạc lịch sử, truyền thống dân tộc Việt Nam. Tư tưởng “Tự do, bình đẳng, bác ái”, đã được Nguyễn Tất Thành kiểm chứng tại Huế, sự xảo trá của nền giáo dục mà thực dân Pháp gọi là “khai hóa văn minh” trái hẳn với khẩu hiệu vĩ đại trong cách mạng Pháp, đã khơi dậy trong lớp học sinh người Việt tinh thần dân tộc, ý thức tự tôn, không cam chịu “nhận người Gaulois làm tổ tiên”. Do vậy, khi các trào lưu yêu nước ở Thừa Thiên Huế dâng cao, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước thiết tha của Nguyễn Tất Thành có dịp bùng phát.
Thời kỳ ở Huế, tấm gương sáng về chí lớn và tinh thần dân tộc vua Hàm Nghi (1884-1885), Thành Thái (1889-1907) và Duy Tân (1907-1916) đã thực sự giác ngộ Nguyễn Tất Thành. Đó là những vị vua trẻ tuổi nhưng có tinh thần dân tộc, yêu nước và có nhiều dự kiến cải cách, đưa nước nhà đến giàu mạnh, nhân dân đến ấm no. Đối với Pháp, các vị vua trẻ tuổi đều có tư tưởng chống Pháp quyết liệt. Tuy nhiên, những “suy nghĩ, hành động trỗi dậy” của các vị vua trẻ đều bị thực dân Pháp bóp nghẹt từ trong trứng nước. Sau này, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tiếp tục sự nghiệp bỏ dở của các vị tiền bối Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, là “đánh đuổi thực dân Pháp để giành độc lập cho dân tộc, cho Tổ quốc”. Năm 1906, khi Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế lần thứ hai. Lúc này, các phong trào yêu như Duy Tân, Đông Du của chí sĩ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã thực sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến Nguyễn Tất Thành. Anh tham gia phong trào với tất cả nhiệt huyết yêu nước đã nung nấu bấy lâu nay, Anh hô hào “hợp quần”, “ái quốc”, cùng với thanh niên học sinh Huế ra sức cổ động xây dựng nếp sống mới cho nhân dân. Có thể khẳng định rằng, trong chuỗi hành động của hành trình “dấn thân” tìm đường cứu nước, sự tham gia trực tiếp vào phong trào Duy Tân là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chuyển biến trong nhận thức, bộc phát qua hành động của Nguyễn Tất Thành. Sự thất bại của phong trào này cũng cho Thành thấy rõ đối với cuộc vận động duy tân, không thể thực hiện được, một khi chưa đánh đuổi thực dân Pháp.
Sự hình thành và phát triển nhân cách của Nguyễn Tất Thành còn bắt nguồn từ tinh thần yêu nước, nhân cách cao đẹp của những người thầy giáo chân chính. Trong thời gian học ở trường Pháp Việt - Đông Ba, Nguyễn Tất Thành không chỉ được học Hán văn với thầy Hoàng Thông, mà còn được thầy chỉ dạy những bài học về cách cư xử, lối sống, nhân phẩm và danh dự của một người Việt Nam mất nước. Chính thầy là người đã giới thiệu Nguyễn Tất Thành tham gia làm liên lạc cho phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Đến tháng 9 năm 1908, Nguyễn Tất Thành vào lớp Trung đẳng trường Quốc Học Huế và được học với thầy Lê Văn Miến (1873-1943), một trí thức Tây học chân chính, thấm nhuần những giá trị văn hóa Pháp. Với tài năng sư phạm và nhân cách cao đẹp, thầy để lại nhiều dấu ấn đặc biệt đối với Nguyễn Tất Thành qua việc hình thành tư tưởng “sang phương Tây” chứ không sang phương Đông của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ.
Thực tiễn sống động gần 10 năm ở Huế, đặc biệt là điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, con người và cảnh vật, các truyền thống, giá trị văn hóa, cũng như các làn sóng đấu tranh chống thực dân Pháp đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành và phát triển nhân cách của người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành. Mười năm gắn bó với Huế, thời niên thiếu Nguyễn Tất Thành chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, đời sống nhân dân lầm than cơ cực dưới sự tàn bạo của thực dân Pháp. Với lòng yêu nước nồng nàn, lòng tự tôn dân tộc và cảm thương nỗi đau của người dân mất nước đã định hình trong tư tưởng Nguyễn Tất Thành chí hướng cách mạng, cứu nước cứu dân và khát vọng đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nhân cách Hồ Chí Minh thực sự được hình thành và phát triển cơ bản ở Huế gắn với sự phát triển về trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất của cá nhân Nguyễn Tất Thành và sự cộng hưởng của các yếu tố văn hóa Huế.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Đắc Xuân, Trung tâm nghiên cứu Quốc Học (2008), Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế, Nxb Văn học, Hồ Chí Minh, tr.62.
[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.81.
[3] Bảo tàng Hồ Chí Minh - Thừa Thiên Huế (2008), Phong trào kháng thuế của nông dân miền Trung Việt Nam năm 1908 và sự tham gia đấu tranh của anh Nguyễn Tất Thành tại Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.20.
[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.121.
[5] Trần Dân Tiên (1975), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr.12.
Tin liên quan
|
|