Chuyển mình
Thừa Thiên Huế đã có nền tảng về CNTT và việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan, ban ngành được xem như cuộc “cách mạng”, đổi mới phong cách làm việc. Các phần mềm quản lý công việc trực tuyến được áp dụng rộng rãi, tạo thuận lợi cho lãnh đạo, cán bộ đơn vị và hướng đến sự phục vụ hiệu quả nhất cho người dân.
COVID-19 bùng phát cũng là lúc người ta nhận diện được tầm quan trọng của công nghệ trong đời sống. Chỉ cần một cái nhấp chuột, thông qua các phần mềm, ứng dụng trên nền tảng internet, một phòng họp trực tuyến được mở ra, người đối mặt người trao đổi công việc mà chẳng sợ con vi rút vô hình “quấy phá”. Hình ảnh người cán bộ cặp xách với đủ các tài liệu được thay thế bằng máy tính, ipad, gọn gàng và đầy tiện ích.
Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Hồ Thắng bảo rằng, trong tiến trình hiện đại hóa, ứng dụng CNTT là điều bắt buộc, không chỉ giúp mỗi cơ quan, đơn vị chuyển mình bắt nhịp với xu thế mới mà còn tạo nên sự hiệu quả cao nhưng ít tiêu tốn thời gian.
Giám đốc Sở Khoa học công nghệ điều hành công việc thông qua phần mềm họp trực tuyến
“Đơn vị chúng tôi đang tập trung các giải pháp ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả công việc, đặc biệt trong quản lý chuyên ngành. Theo đó, tập trung thực hiện các phần mềm dùng chung của tỉnh. Sử dụng hiệu quả một số phần mềm như, đăng ký lịch và phát hành giấy mời qua mạng. Các văn bản phát hành thông qua hệ điều hành tác nghiệp đa cấp, văn bản đi, văn bản nhận đều qua mạng. Sử dụng chữ ký số và áp dụng dịch vụ thanh toán điện tử trong hệ thống tài chính… Ở mọi lúc, mọi nơi, cán bộ công chức đều có thể làm việc”, ông Thắng nói.
Ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước là khâu quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, thiết lập một nền hành chính năng động, trách nhiệm, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập. Tỉnh cũng đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng dùng chung và đảm bảo an toàn thông tin phục vụ xây dựng phát triển cơ quan điện tử và đô thị thông minh. Để phục vụ người dân, hệ thống hạ tầng wifi công cộng được thiết lập…
Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, quy trình tin học hóa tại Thừa Thiên Huế đang được triển khai một cách khoa học từ cấp tỉnh đến cấp xã đồng thời kết hợp với đô thị thông tin đã phát huy giá trị to lớn. Nó tạo ra được thói quen về mặt nhận thức, thường xuyên nắm bắt công việc qua môi trường CNTT của cán bộ, công chức.
“Ứng dụng CNTT đang tiết giảm được 50-60% thời gian xử lý công việc. Đặc biệt, hoạt động hành chính Nhà nước ngày càng công khai minh bạch, thực thi công vụ rõ ràng, chính xác hơn. Đây cũng là công cụ để cơ quan Nhà nước đánh giá được năng lực, chất lượng hoàn thiện công việc của cán bộ. Về hạ tầng cơ bản hoàn toàn đáp ứng, việc vận hành một cách khá suôn sẻ bởi có sự tích lũy hạ tầng trong giai đoạn hơn 10 năm đầu tư”, ông Sơn nhìn nhận.
Tác phong mới trong thời đại mới
Trong nhiều cái khó khi áp dụng CNTT vào thực tiễn người ta nhắc nhiều đến hạ tầng và trang thiết bị - yếu tố vật chất để tạo nên sự hoàn thiện. Song, ông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, liên quan đến nguồn lực cần có cách đánh giá mới, xem xét trên vấn đề tiếp cận với công nghệ. Hiện trạng hạ tầng đã thông tuyến đến cơ sở, kết nối theo hướng đơn giản hóa. Nhận thức về CNTT của người dân được nâng cao bởi đã ứng dụng được nhiều phần mềm trên nền tảng intenet, tạo nên một thói quen mới trong đời sống.
Nhiều người cho rằng, ứng dụng CNTT ở doanh nghiệp (DN) đang được áp dụng, triển khai nhanh hơn so với các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, trong khi nền tảng CNTT hỗ trợ DN khá phong phú dùng để vận hành, kinh doanh kiếm lợi nhuận thì các cơ quan Nhà nước ứng dụng CNTT chỉ để phục vụ Nhân dân. Một khi hạ tầng dần được hoàn thiện, ứng dụng CNTT được xem như “phép màu” giúp hiện đại hóa nền hành chính.
Tại huyện vùng cao A Lưới, có sự chuyển mình rất đáng khuyến khích khi ứng dụng CNTT. Qua đó, những chính sách, chủ trương của Nhà nước được đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận nhanh hơn, việc điều hành, quản lý của các cơ quan Nhà nước vì thế cũng vơi bớt khó khăn.
Chánh Văn phòng UBND huyện A Lưới Lê Trung Hiếu chia sẻ: Ngoài những dịch vụ hành chính công được chúng tôi triển khai trên môi trường mạng, A Lưới cũng đã triển khai các phần mềm dùng chung của tỉnh xử lý công việc; đưa vào vận hành hệ thống phòng họp trực tuyến giúp kết nối với nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa. Việc tận dụng các nền tảng trên môi trường internet tạo ra các group trên mạng xã hội giúp cơ quan quản lý kết nối nhanh hơn với cơ sở. Làm việc của môi trường mạng khiến tác phong của mỗi cán bộ thay đổi từ hướng truyền thống sang hiện đại nhưng đạt hiệu quả cao.
Theo nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, thiếu trang thiết bị, hệ thống mạng chưa đảm bảo, trụ sở chưa ổn định… là những lý do khiến việc ứng dụng CNTT còn gặp trở lực, đặc biệt ở nhiều ngành đặc thù cần nhiều phần mềm, ứng dụng riêng.
“Lẽ dĩ nhiên, cơ sở hạ tầng sắp tới cũng phải hoàn thiện hơn nữa. Công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ nâng cao cũng cần được tổ chức thường xuyên. Thời gian tới phải áp dụng các mô hình tiến tiến hơn như, tập huấn đào tạo trực tuyến để các kênh thông tin chuyển về cho cơ sở địa phương nhanh hơn”, ông Nguyễn Xuân Sơn cho biết.