Linh hoạt hình thức kiểm tra trong trường phổ thông
Cập nhật 14/10/2020
Một tiết học ở Trường THPT Gia Hội.

Bắt đầu từ 11/10, học sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) sẽ không phải làm bài kiểm tra 1 tiết, thay vào đó tất cả các môn học đều có đánh giá bằng nhận xét.

Theo Thông tư số 26 của Bộ GD&ĐT, môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học: quy định có 2 điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học có 3 điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 70 tiết/năm học có 4 điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Như vậy, trong mỗi học kỳ, một môn học có 1 điểm kiểm tra đánh giá giữa kỳ và 1 điểm kiểm tra đánh giá cuối kỳ; không còn điểm 1 tiết. So với quy định hiện hành, tổng số đầu điểm kiểm tra đánh học sinh đã giảm, môn nhiều nhất cũng chỉ có 6 đầu điểm.

Điểm mới, là tất cả các môn học đều nhằm đánh giá phẩm chất, năng lực người học; nói cách khác là đánh giá sự tiến bộ của các em.

Nhiều học sinh tỏ vẻ phấn khởi trước thông tin này. Thay vì thầy giảng, trò ghi chép, học thuộc thì các em được giảm áp lực thi cử nhưng lại chủ động trong các tiết học trải nghiệm và phát triển năng lực. Giáo viên chỉ định hướng và hỗ trợ học sinh tiếp cận bài học mới. Em Ngô Ngọc Ánh, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Huế) cho rằng, em thích đa dạng hóa các hình thức kiểm tra như trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập... Chúng em sẽ linh hoạt hơn trong cách học cũng như rèn luyện và phát triển nhiều kỹ năng khác nhau để tự hoàn thiện mình.

Đa số giáo viên cho rằng, bỏ các bài kiểm tra hệ số 2 sẽ giảm áp lực về điểm số và hạn chế tình trạng học tủ ở học sinh. Tất nhiên, đây cũng là thách thức với giáo viên khi phải quan tâm, sâu sát và nắm bắt học sinh rất kỹ để ghi nhận sự tiến bộ cũng như chỉ rõ nhược điểm để các em điều chỉnh. Muốn đánh giá tốt giáo viên phải hiểu học sinh. Thế nên, mỗi giáo viên cần phải chủ động đổi mới cách giảng dạy cũng như cách đánh giá học sinh bằng năng lực chứ không còn chỉ là kiến thức trong sách như trước đây.

Vẫn biết điều chỉnh hình thức kiểm tra để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn còn băn khoăn. Liệu một giáo viên dạy hàng trăm học sinh ở các lớp, liệu có khả năng đánh giá, nhận xét chuẩn xác hết các em hay không? Nếu học sinh làm 1 bài kiểm tra duy nhất sơ sẩy sai, điểm kém thì có được làm bù không? Trong khi, trước đây có nhiều bài kiểm tra, học sinh có cơ hội để kéo điểm lại. Tư tưởng của nhiều em có kiểm tra thì mới học nên dễ dần đến tình trạng lười học. Đặc biệt, những môn tư duy khoa học như toán, lý... cần có thước đo cụ thể về điểm số...

Theo cô giáo Trần Thị Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng, không nên hiểu bỏ bài kiểm tra 1 tiết, mà thay vì quy định cứng như trước đây, bài kiểm tra sẽ thực hiện linh hoạt hơn cả về cách thức và thời gian lẫn nội dung. Kế hoạch dạy học do nhà trường tự chủ do đó giáo viên có thể kiểm tra đánh giá theo năng lực học sinh. Bài kiểm tra được thực hiện trên máy tính, điện thoại thông minh, các bài trắc nghiệm mà câu hỏi được xáo trộn...

Để Thông tư 26 thực sự có hiệu quả, mỗi trường cần xây dựng quy chế trong khen thưởng một cách chặt chẽ. Trong đó, phải nêu cụ thể những tiêu chí kiểm tra, đánh giá để tạo tính công bằng, không quá dễ dãi, tùy tiện, cũng không khắt khe, đánh đố hay gây khó cho giáo viên và học sinh.

Sự thay đổi về cách đánh giá học tập theo hướng đổi mới, cần giúp những người trong cuộc, nhất là học sinh hiểu rõ mục tiêu và lý do. Đáng lưu ý, cách dạy và học thay đổi để giúp học sinh  học để đạt hiệu quả chứ không phải học để chạy theo điểm số.

Theo baothuathienhue.vn
Tin liên quan
Xem tin theo ngày