Thừa Thiên Huế dẫn đầu toàn quốc về cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Cập nhật 21/10/2020

Theo lộ trình của Chính phủ, đến cuối năm 2020, các địa phương tích hợp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Đến cuối tháng 9/2020, Thừa Thiên Huế đã tích hợp gần 55% DVCTT mức độ 4, trở thành địa phương dẫn đầu toàn quốc về chỉ số cung cấp DVCTT.

Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các sở, ngành, địa phương đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng tỷ lệ sử dụng DVCTT, nhất là các DVCTT mức độ 3, mức độ 4 trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Chuyển từ “bắt buộc” sang “tự nguyện” 

Đến nhận kết quả giải quyết TTHC về đăng ký doanh nghiệp (DN) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh, anh Hoàng Thanh Hải ở phường Trường An, TP. Huế chia sẻ, trước đây, mỗi lần đi làm các loại giấy tờ cho đơn vị rất mất thời gian do phải qua nhiều phòng để thực hiện. Nhưng giờ đây, với việc triển khai thực hiện giải quyết TTHC trên môi trường mạng internet, anh chỉ việc khai báo đầy đủ thông tin theo yêu cầu, gửi hồ sơ trực tuyến và sau 7 ngày là đã nhận được kết quả. “Đặc biệt, DN tôi mới thành lập được hỗ trợ khoảng 1,5 triệu đồng đăng ký chữ ký số, rất tiện lợi cho việc đăng ký qua mạng. Tôi thấy rất tiện lợi và hài lòng với việc đổi mới này của các cơ quan nhà nước” - anh Hải nhận xét.

Sở Kế hoạch và Đầu tư hiện đang thực hiện giải quyết 185 TTHC liên quan đến các lĩnh vực ngành quản lý, trong đó có nhiều TTHC mức độ 3 và 4. Chỉ tính 9 tháng năm 2020, sở đã tiếp nhận hàng ngàn hồ sơ thông qua môi trường trực tuyến; 100% các TTHC đều đảm bảo giải quyết đúng thời hạn và có nhiều TTHC thực hiện trước thời hạn. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui chia sẻ, sở tiến hành rà soát, lựa chọn những TTHC mà người dân, DN sử dụng nhiều, những thủ tục không phức tạp để triển khai mức độ 3, 4. Đồng thời, kết hợp mở tài khoản tại kho bạc, các ngân hàng để người dân, DN khi làm TTHC có phát sinh phí, lệ phí có thể chi trả thông qua tài khoản.

Phó Giám đốc TTPVHCC tỉnh Nguyễn Kim Tùng thông tin, tiện ích của việc đăng ký trực tuyến là máy được vận hành liên tục (24/24h), đảm bảo việc nộp hồ sơ được thực hiện tại bất kỳ thời điểm nào và tại bất kỳ địa điểm nào có kết nối mạng Internet. Không những thế, hệ thống này đảm bảo tính chính xác và toàn vẹn của thông tin đăng ký DN mà DN trực tiếp đăng ký; hệ thống hóa quy trình nộp, xử lý hồ sơ đăng ký DN và thông báo kết quả giải quyết đăng ký DN… Vì vậy, khi sử dụng DVCTT, tổ chức, cá nhân tiết kiệm được thời gian, công sức và cắt giảm các chi phí đi lại.

Cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở: Công thương, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Y tế… là những đơn vị tích cực triển khai và đạt 100% DVCTT. Thực hiện đẩy mạnh giải quyết TTHC thông qua DVCTT, các sở này đã trình UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận hàng ngàn TTHC đủ điều kiện thực hiện ở mức độ 3, 4.

Về đích trước thời hạn

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Trần Thị Hoài Trâm chia sẻ, hiện hệ thống một cửa điện tử và cung cấp DVCTT của tỉnh được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Các cơ quan, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc triển khai DVCTT mức độ 3 và 4; nâng cao năng lực, nghiệp vụ quản lý, cán bộ chuyên trách về việc xử lý hồ sơ trực tuyến; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân truy cập nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC theo hình thức trực tuyến.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn cho biết, bước tiến mới tạo điều kiện tăng cường sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 là việc triển khai chữ ký số. Đến nay, sở đã cấp hơn 6.500 chữ ký số chuyên dùng cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh. Ngoài ra, 100% DN đều đăng ký chữ kỹ số và DN đăng ký mới được Nhà nước hỗ trợ tiền đăng ký chữ ký số. Sở phối hợp với TTPVHCC tỉnh tăng cường cán bộ hỗ trợ người dân, DN kê khai trên môi trường mạng; tích cực kiểm tra, nắm bắt thông tin nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Tại hội nghị bàn giải pháp tăng tỷ lệ sử dụng DVCTT, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, đôn đốc, giao chỉ tiêu về sử dụng DVCTT mức độ 3 và 4 cho từng phòng chuyên môn; đánh giá đúng thực trạng để có chỉ đạo kịp thời và đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai. Tập trung rà soát các TTHC có thể thực hiện trực tuyến để đưa vào thực hiện. Đối với các thủ tục người dân thường xuyên thực hiện, phải dễ dàng, gọn nhẹ để người dân dễ tiếp cận, truy cập.

Chính quyền tỉnh đang nỗ lực, cố gắng thúc đẩy, đạt và vượt so với các chỉ tiêu của Chính phủ đặt ra về cung cấp DVCTT cũng như những mong muốn ngược lại của các DN, người dân đối với chính quyền về tiếp cận DVCTT. Qua đó, góp phần CCHC, tạo ra những bứt phá mới, giá trị mới đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo thống kê của Cổng Dịch vụ công tỉnh, đến nay, tỷ lệ cung cấp DVCTT như sau: mức độ 1 có 1.790 TTHC, đạt 100%; mức độ 2 có 1.790 TTHC, đạt 100%; mức độ 3 có 1.296 TTHC, đạt 72,40%; mức độ 4 có 976 TTHC, đạt 54,42%.

Theo baothuathienhue.vn
Tin liên quan
Xem tin theo ngày