Tương ái và sẻ chia
Những trận bão lũ liên tiếp xảy ra trong tháng 10 vừa qua đã gây nhiều thiệt hại nặng nề về cả vật chất lẫn tinh thần của người dân. Sẽ cần những giải pháp mang tính lâu dài và đồng bộ để phòng vệ bền vững, tránh sự suy sụp của hệ thống an sinh xã hội, đẩy người dân rơi vào hoàn cảnh nghèo đói, nhưng trước mắt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp và các địa phương đang nỗ lực và gấp rút cứu trợ, khôi phục sản xuất để giúp người dân sớm vượt qua khó khăn.
Cùng với gạo, mì gói, bánh gạo được xuất cấp và phân phối từ nguồn dự trữ lương thực phòng chống thiên tai cấp tỉnh và rất nhiều phần hàng, vật phẩm cứu trợ, ủng hộ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đưa về cứu trợ khẩn cấp cho những hộ bị ngập lụt, hộ di dời phòng tránh mưa lũ trong những ngày qua phần nào đã làm ấm lòng nhiều người dân.
Chia sẻ cùng địa phương, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý xuất 1.000 tấn gạo ủng hộ cho tỉnh để kịp thời cứu đói, khắc phục thiệt hại.
Hiện nay, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh và kiều bào nước ngoài vẫn đang hướng về đồng bào bị thiên tai. Nhiều phần quà thiết thực gồm lương thực, thực phẩm, nước uống, áo phao... đã được trao tận tay đến người dân vùng lũ. Một số khác đang âm thầm ủng hộ, đóng góp qua “Quỹ Cứu trợ Ủy ban Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế” để đồng lòng chia sẻ cùng bà con vượt khó.
Bức tranh an sinh khởi sắc
Thiên tai là khôn lường và việc đối mặt với thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ còn tiếp diễn. Nhưng điều đáng ghi nhận trong những năm qua, lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm. Các đối tượng chính sách như người có công với cách mạng, người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, hưởng thụ nhiều chính sách ưu đãi như: tín dụng ưu đãi, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý…, góp phần nâng cao điều kiện sống, ổn định sản xuất.
Đầu giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 8,36%, đến cuối năm 2019 giảm xuống 4,17% và dự kiến giảm còn 3,67% vào cuối năm 2020. Bình quân, giảm 0,94%/năm, vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo Chính phủ giao 0,87%/năm, đồng thời góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các xã, thôn đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được thụ hưởng các dự án thành phần thuộc Chương trình, mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; chính sách của tỉnh hỗ trợ các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% và nguồn hỗ trợ từ xã hội hóa; các chính sách hỗ trợ đột xuất khi thiên tai, dịch bệnh…
Tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh thực hiện trợ cấp bảo trợ xã hội cho 58.532 đối tượng, với kinh phí 21,5 tỷ đồng/tháng; trợ cấp ưu đãi cho 18.491 người có công, với kinh phí 29,6 tỷ đồng/tháng. Hàng năm, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho hơn 16.500 lao động. Ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho hơn 500.000 người, góp phần đưa tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đạt trên 98,6%. Giai đoạn 2016-2020, có hơn 118.500 hộ dân thuộc các đối tượng theo quy định được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ hơn 2.800 tỷ đồng.
Việc ban hành các chính sách hỗ trợ người dân giảm nghèo, phát triển kinh tế là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, quyết liệt, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” của các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương và toàn xã hội.
Thay đổi từ suy nghĩ đến cách làm
Bên cạnh những thành tích đạt được, kết quả giảm nghèo còn những hạn chế, như tái nghèo, hộ nghèo phát sinh; khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư còn khá lớn; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhiều xã vẫn còn rất cao, có địa phương trên 35%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 21,9% tổng số hộ nghèo của tỉnh.
Vấn đề người nghèo đô thị và một bộ phận dân cư do chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái định cư, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, già hóa dân số, thiên tai, dịch bệnh... còn tái diễn.
Để hướng tới thực hiện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều đến năm 2025 còn 2,0%-2,2%, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh cần sự thay đổi mạnh mẽ từ suy nghĩ và cách làm; đồng thời, cần sự chung tay sẻ chia của toàn hệ thống chính trị.
Muốn giảm nghèo bền vững, chính sách “trao cần câu” thay vì “cho con cá”, mà cụ thể là đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo là giải pháp căn cơ cần đẩy mạnh thực hiện, phấn đấu đưa tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 65-70% trong giai đoạn tới.
Muốn đạt được thành tựu giảm nghèo, tỉnh cần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, nhất là về du lịch, dịch vụ, nhằm phục vụ lợi ích chung của xã hội và điều tiết cho người nghèo, người dễ bị tổn thương khác. Bên cạnh đó, cần xây dựng một số chính sách đặc thù của địa phương để hỗ trợ phát triển sản xuất; đổi mới cơ chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc.
Giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, đòi hỏi các nguồn lực đóng góp về vật chất và tinh thần rất lớn. Nên ngoài sự đầu tư của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo cần huy động các nguồn lực đóng góp của toàn xã hội để chung sức hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.