Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Lê Trường Lưu nhấn mạnh: Quán triệt tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, năm năm qua, Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng.
Kinh tế tiếp tục phát triển theo hướng xanh và bền vững, tốc độ tăng trưởng khá cao, quy mô nền kinh tế năm 2020 gấp khoảng 1,7 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Trong đó du lịch tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường chuyển biến theo hướng tích cực. Festival Huế đã khẳng định được thương hiệu là một sự kiện văn hóa - lễ hội mang tầm quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế là một trong số ít các tỉnh, thành trong cả nước có các hoạt động thiết thực, cụ thể trong hoạt động bảo vệ môi trường với sự lan tỏa ngày càng sâu rộng của các phong trào "Ngày Chủ nhật xanh", "Nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần". Đề án di dời, tái định cư cho hàng ngàn hộ dân khu vực I Kinh thành Huế, được nhân dân đồng thuận, ủng hộ cao.
Cùng với tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh thường xuyên quan tâm chăm lo củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) tiếp tục được đẩy mạnh, tạo sự lan tỏa rộng khắp. Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử được triển khai tích cực.
Các ngành, các cấp, các địa phương trong toàn tỉnh đều có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực. Tiêu biểu là các phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Ngày vì người nghèo", "Dân vận khéo", "Dạy tốt, học tốt", "Vì an ninh Tổ quốc", “Thanh niên tình nguyện và tuổi trẻ sáng tạo”, “Cựu Chiến binh gương mẫu”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”,“Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”... Phong trào thi đua "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới" đã có những cách làm hay, sáng tạo. Đến nay, có 02 huyện hoàn thiện các thủ tục đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 59 xã đạt 19/19 tiêu chí, trong đó có 52 xã đã có quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Phong trào thi đua "Doanh nghiệp Việt Nam với hội nhập và phát triển" tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết của dân tộc. Các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân quan tâm, giúp đỡ thiết thực đối với người nghèo và ngày càng có nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội.
Qua thực tiễn phong phú và sinh động của các phong trào thi đua yêu nước ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu trên các lĩnh vực. Nhiều sáng kiến, giải pháp hữu ích trong lao động, sản xuất được áp dụng trong thực tế. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được tuyên truyền, phổ biến rộng khắp. Các cơ quan truyền thông, báo chí đã phát huy tốt vai trò của mình trong tuyên truyền, giới thiệu gương người tốt, việc tốt, cổ vũ, động viên các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thông qua đó làm lan tỏa những giá trị nhân văn, tốt đẹp trong cộng đồng và toàn xã hội.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những kết quả đạt được trong phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua 5 năm qua, đặc biệt hơn 300 đại biểu điển hình tiên tiến về dự Đại hội hôm nay, những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa thi đua yêu nước trên địa bàn toàn tỉnh.
Những kết quả đạt được trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh trong 5 năm qua là rất lớn, song chúng ta cũng nghiêm túc nhận thấy rằng còn những hạn chế, khuyết điểm. Phong trào thi đua tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện, chưa đồng đều, liên tục; có nơi còn mang nặng tính hình thức. Việc phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến còn chậm, chưa thường xuyên. Đối tượng khen thưởng là người lao động trực tiếp còn thấp. Những hạn chế, khuyết điểm này đã phần nào làm ảnh hưởng đến mục đích, ý nghĩa của phong trào thi đua và công tác khen thưởng, làm cho phong trào thi đua chưa thực sự là động lực thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Về phương hướng, nhiệm vụ cụ thể của phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn 5 năm sắp tới, tôi cơ bản nhất trí như dự thảo Báo cáo trình bày trước Đại hội, đồng thời lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước về thi đua khen thưởng gắn với Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua cần gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh và các nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, địa phương, đơn vị.
Thứ hai, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua, yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở. Tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú; nội dung thiết thực, hấp dẫn; có tiêu chí cụ thể; có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, dễ hiểu, tránh khoa trương, hình thức. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua. Lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để tuyên dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình phải được thực hiện đồng bộ ở 4 khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Thứ ba, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, xã hội. Thông qua đó, góp phần định hướng tư tưởng, củng cố niềm tin của nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, tiến bộ. Tôi đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin - Truyền thông, Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn thường xuyên, làm tốt hơn nữa công tuyên truyền những tấm gương tiêu biểu, chiến sĩ thi đua và các điển hình người tốt, việc tốt.
Thứ tư, thực hiện đổi mới công tác khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch. Công tác thi đua khen thưởng đòi hỏi phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhưng cũng cần phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng theo hướng gọn, nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. Quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có bề dày kiến thức và kinh nghiệm, gắn bó với quần chúng và các phong trào thi đua để tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác thi đua khen thưởng.
Từ những thành tích đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn trong năm năm qua, tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân trong toàn tỉnh, công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước của tỉnh ta trong thời gian đến nhất định có nhiều chuyển biến tích cực hơn, đồng điều hơn, rộng khắp hơn, tạo động lực quan trọng để thực hiện quyết tâm chính trị cao nhất là xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.