Những năm gần đây, ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên - Huế còn triển khai mô hình “Phân công đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, từng bước giúp người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU ngày 8/10/2018 của Đảng ủy BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế “Về việc phân công đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, công tác vận động quần chúng nhân dân của BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế có những chuyển biến tích cực, lực lượng Biên phòng còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận các cấp đã làm tốt công tác dân vận, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trên địa bàn.
Vốn là hộ nghèo nhất ở bản A Niêng Lê, xã Trung Sơn, huyện A Lưới, chị Hồ Thị Trế hàng ngày phải làm lụng vất vả mọi việc để nuôi 3 con nhỏ. Khó khăn càng thêm chồng chất khi người chồng của chị không may qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Cuộc sống khốn khó đủ bề, những đứa con của chị lần lượt nghỉ học theo mẹ lên nương rẫy làm việc để kiếm thêm thu nhập.
Nhận thấy gia cảnh vô cùng éo le của gia đình chị Trế, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng (cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn) đã đề xuất với cấp trên và nhận giúp đỡ mẹ con chị Trế.
Từ tiền lương của mình, anh Dũng đã mua xe đạp, sách vở, đồng thời hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng tạo điều kiện cho cháu Kăn Bảo Úc (con út chị Trế) quay trở lại trường học. Ngoài ra, anh Dũng cùng các đồng đội trong đơn vị đã cải tạo vườn rau xanh, chăn nuôi gà vịt để gia đình chị Trế có nguồn thu nhập mỗi ngày.
“Nhờ sự giúp đỡ tận tình của cán bộ Biên phòng, nhất là cán bộ Dũng mà gia đình tôi đã phần nào vượt qua khó khăn, vất vả, con cái cũng được quay trở lại trường” - chị Trế xúc động.
Là một trong những hộ dân được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân tận tình hướng dẫn, giúp đỡ trong phát triển sản xuất, anh Hồ Xuân Bảy (trú tại xã Trung Sơn, huyện A Lưới) cho biết, trước đây gia đình anh là một trong những hộ nghèo của xã, đời sống của gia đình gặp nhiều khó khăn.
Năm 2017, được cán bộ Biên phòng tuyên truyền, vận động, gia đình anh đã mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền 20 triệu đồng để mua dê, bò, heo về chăn nuôi kết hợp với trồng chuối để tăng thu nhập. Sau nhiều năm miệt mài làm ăn, cuộc sống của gia đình dần được cải thiện, nhà cửa cũng khang trang hơn trước, kinh tế gia đình khấm khá hơn, cái nghèo giờ không còn đeo bám.
“Để có cuộc sống như hôm nay, gia đình tôi rất biết ơn các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã giúp đỡ và hướng dẫn tận tình các kỹ thuật chăm sóc cho cây trồng và vật nuôi, nhờ đó năng suất và chất lượng được nâng lên” - anh Bảy nói.
Thượng tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đến nay đơn vị đã phân công 224 đảng viên phụ trách 1.096 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Hầu hết các cán bộ, chiến sĩ phân công phụ trách các hộ gia đình luôn bám sát địa bàn, nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng cũng như hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình để tìm cách hỗ trợ với phương châm “cầm tay chỉ việc”, nhất là trong phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, các cán bộ, chiến sĩ còn tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi người dân nhằm nâng cao nhận thức trước các âm mưu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; tích cực củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc, góp phần thắt chặt tình quân dân, sát cánh cùng lực lượng biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên- Huế) cho biết, mô hình phân công đảng viên Biên phòng phụ trách các hộ dân khu vực biên giới dù triển khai tại địa phương chưa lâu, song đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của các cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh, nhiều hộ dân đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.