Thừa Thiên Huế: Thí điểm chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt
Cập nhật 29/01/2021

Thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) được chọn để thí điểm thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt. Giải pháp này nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho người thụ hưởng, và về lâu dài giúp họ tiếp cận với các dịch vụ tài chính tốt hơn, công bằng hơn, minh bạch hơn.

Ngày 28/1, tại huyện Phú Lộc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Ngân hàng thế giới, đã tổ chức Hội thảo thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt.

Theo Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 146 xã, phường, thị trấn thì có 106 đơn vị có trên 250 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội và 39 đơn vị dưới 250 đối tượng. Kinh phí hỗ trợ cho hoạt động chi trả này là hơn 125 triệu đồng/tháng và khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.


Thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) được chọn để thí điểm
thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt. (Ảnh minh họa)

Qua 5 năm thực hiện chi trả tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, như: Tốn nhiều nhân lực phục vụ; Một số trường hợp đối tượng nhận thay 2 đến 3 tháng mới nhận chế độ dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, chi trả, thanh quyết toán. Tại một số điểm chi trả vẫn còn tình trạng nhân viên chi trả ký thay, ký khống. Một số địa phương thực hiện việc thanh quyết toán chi trả không đúng quy định...

Trên cơ sở thực hiện Công văn 159 của Bộ LĐTB&XH về việc thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt, Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã chọn 2 đơn vị là thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc để thực hiện.

Tại hội thảo, các đại biểu được đại diện Ngân hàng thế giới, Viettel và Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) giới thiệu về các phương thức chi trả điện tử, chi trả an sinh xã hội bằng tài khoản và thẻ VittelPay.

Cũng như giới thiệu về kế hoạch và quy trình thực hiện thí điểm ứng dụng chi trả an sinh xã hội bằng phương thức điện tử, chuẩn bị các điều kiện chi trả an sinh xã hội bằng phương thức điện tử... Trên cơ sở thảo luận, phối hợp thực hiện giữa các đơn vị liên quan và tiến hành triển khai thực hiện tại các địa phương đơn vị.

Việc thanh toán điện tử trong thực hiện các chương trình trợ giúp xã hội là xu thế mà nhiều quốc gia hiện nay đang áp dụng. Thanh toán điện tử sẽ tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho người thụ hưởng, hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, tiện lợi và về lâu dài giúp họ tiếp cận với các dịch vụ tài chính tốt hơn, công bằng hơn, minh bạch hơn.

Theo Báo Doanh nghiệp Việt Nam
Tin liên quan
Xem tin theo ngày