Hoàn thiện hạ tầng đô thị
Trong năm 2021, thành phố phối hợp triển khai hoàn thành Đề án địa giới hành chính để mở rộng TP. Huế và thành lập các phường thuộc thành phố theo quy hoạch trước năm 2022. Đồng thời, rà soát phối hợp với các sở, ban ngành điều chỉnh quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trên cơ sở đề án điều chỉnh địa giới hành chính thành phố theo hướng đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường’’.
Theo đó, sẽ tập trung hoàn thiện các quy hoạch phát triển, nâng cấp đô thị Huế, phát triển trục cảnh quan sông Hương làm trục chính phát triển đô thị hướng biển. Quy hoạch lại không gian đô thị trung tâm trên cơ sở bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển; giữa gìn giữ và phát huy các giá trị di sản và phát triển các khu vực TP. Huế mở rộng.
Mục tiêu quan trọng là đẩy nhanh hoàn thành công tác lập, điều chỉnh các quy hoạch: trung tâm phía Nam thành phố; điều chỉnh quy hoạch phân khu khu vực Kinh thành Huế (rà soát, cập nhật, số hóa); điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu khu vực Thủy Xuân, Thủy Biều, An Hòa – Hương Sơ, cồn Hến; thiết kế đô thị các trục đường chính, khu vực cảnh quan...; quy hoạch và xây dựng nhà vệ sinh công cộng; đề án di dời nghĩa địa ra khỏi thành phố.
Để hoàn thiện hạ tầng đô thị, thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm chỉnh trang đô thị. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án (DA) trọng điểm như: DA di dời, giải phóng mặt bằng (GPMB) khu vực I di tích Kinh thành Huế; DA Cải thiện môi trường nước thành phố; chỉnh trang các tuyến đường trung tâm, chỉnh trang vỉa hè, đường dạo 4 tuyến đường xung quanh Đại Nội gồm: 23/8, Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân, Lê Huân; hoàn thành các DA hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Hương Sơ; chỉnh trang khu vực đồi Vọng Cảnh; nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội; tuyến đường dọc bờ sông Hương (phía Nam) đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa; cầu chui đường sắt Bắc Nam tại đường Bùi Thị Xuân; DA cải tạo khu xử lý chất thải rắn Thủy Phương...
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, hiện thành phố đang tiếp tục đầu tư các giai đoạn để hoàn thiện chỉnh trang công viên hai bờ sông Hương đoạn qua trung tâm thành phố về hệ thống đường dạo, không gian công cộng, điện chiếu sáng, các tiện ích đô thị công viên như bãi để xe, camera giám sát, wifi, nhà vệ sinh công cộng… như công viên Thương Bạc; công viên vườn Mai phía Hộ Thành Hào từ cửa Quảng Đức đến cửa Nhà Đồ; công viên Kim Long từ cầu Kim Long đến chùa Thiên Mụ; tuyến đường dọc sông Hương phía bờ Nam từ cầu Bạch Hổ đến đường Huyền Trân Công Chúa…
Cùng với công tác đầu tư chỉnh trang đô thị, UBND TP. Huế tiếp tục triển khai DA xây dựng TP. Huế văn hóa và du lịch thông minh do KOICA tài trợ giai đoạn 2021-2023 với kinh phí 13 triệu USD, phạm vi từ cầu Dã Viên đến cầu Trường Tiền và lập quy hoạch, xây dựng chỉnh trang cồn Dã Viên trở thành một không gian công cộng đặc trưng, tiêu biểu phục vụ cộng đồng và du khách. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai DA xây dựng hạ tầng đô thị loại II (Green City) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ; DA đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Công mở rộng từ nguồn vốn vay ADB.
Không gian hai bờ sông Hương được chỉnh trang
Hướng đến đô thị loại I
Theo TUV, Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh, mục tiêu của chương trình điều chỉnh địa giới hành chính TP. Huế nhằm xây dựng Huế trở thành hạt nhân của đô thị di sản, văn hóa, sinh thái cảnh quan thân thiện với môi trường, đô thị thông minh của Thừa Thiên Huế, gắn với chỉnh trang, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, xứng đáng là đô thị loại I (kể cả sau khi điều chỉnh địa giới hành chính).
Các hoạt động này sẽ góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch; tăng cường công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường gắn với việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Qua đó, khuyến khích xã hội hóa đầu tư, khai thác các dịch vụ văn hóa thể thao, giao thông tĩnh, khai thác các công viên, điểm xanh…
Để triển khai thực hiện, thành phố tập trung ưu tiên hoàn thành các DA phát triển kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị từ các nguồn vốn ngân sách thành phố, ngân sách của tỉnh; nguồn hỗ trợ an toàn giao thông, quỹ bảo trì đường bộ của tỉnh và các nguồn vốn đóng góp của Nhân dân, xã hội hóa. Nâng cao năng lực, chất lượng công tác bồi thường, GPMB, tập trung một số khu vực như khu vực I di tích Kinh thành Huế; DA đầu tư hạ tầng kỹ thuật phát huy giá trị công trình di tích tại Hổ Quyền - Voi Ré; khu vực nghĩa địa trước núi Bân; khu vực trước đàn Nam Giao; cồn Dã Viên; khu vực Long Thọ,… di dời các khu vực nghĩa địa không đúng quy hoạch tạo quỹ đất bán đấu giá, kêu gọi đầu tư.
Một trong những mục tiêu quan trọng của thành phố trong thời gian tới là tăng cường công tác quản lý nhà nước về đô thị theo hướng văn minh, như quản lý tổ chức giao thông, điểm đỗ xe các tuyến đường nội thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị, cây xanh đảm bảo tiêu chí đô thị loại 1.
Bài, ảnh: Thanh Hương
https://baothuathienhue.vn/dieu-chinh-dia-gioi-hanh-chinh-gan-chinh-trang-do-thi-a98853.html