Chủ nghĩa xã hội và sự giải quyết những vấn đề thực tiễn
Cập nhật 07/06/2021

Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một sự tổng kết lý luận và thực tiễn qua hơn 90 năm của Cách mạng Việt Nam, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) cho đến nay.

Chủ nghĩa xã hội là khát vọng của dân tộc Việt Nam

Bài viết của Tổng Bí thư khẳng định: Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc cho Nhân dân là khát vọng muôn đời của dân tộc Việt Nam. 

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, thực tiễn cho thấy, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một giá trị đặc sắc về ý thức độc lập dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Giá trị này trở thành truyền thống văn hóa đặc sắc, là nền tảng tinh thần vững chắc của dân tộc Việt Nam, tạo nên sức mạnh lớn lao để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, với những cuộc khởi nghĩa quật cường, từ Hai Bà Trưng đến chiến thắng Bạch Đằng năm 938 hay sự kết tinh sức mạnh đoàn kết với một Hội nghị Diên Hồng được tổ chức vào năm 1284 đã đi vào lịch sử dân tộc.

Những giá trị trên được Tổng Bí thư khái quát cô đọng, súc tích: “Nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ hy sinh để chống lại ách đô hộ và sự xâm lược của thực dân, đế quốc để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân”. 

Tổng Bí thư khẳng định, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội cho cách mạng Việt Nam là khoa học, đáp ứng được nhu cầu giải phóng dân tộc

Bằng lý luận và thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lý giải thuyết phục, rõ ràng và minh định rằng: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đường lối ấy được Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng: “Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và Nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của Cách mạng Việt Nam”.

Như chúng ta đã biết, vào những năm cuối thể kỷ XIX, khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nhiều phong trào đấu tranh yêu nước đòi độc lập dân tộc theo các khuynh hướng phong kiến (Cần Vương), dân chủ tư sản (Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học) đã diễn ra nhưng tất cả không thành công. Con đường giải phóng dân tộc ta đi vào bế tắc.

Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với bản lĩnh văn hóa được nuôi dưỡng bởi truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình đã quyết định hành trình sang phương Tây tìm con đường giải phóng dân tộc. Bằng hoạt động thực tiễn phong phú ở phương Tây, sự nhạy bén về chính trị, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành người cộng sản chân chính.

Sự trưởng thành về chính trị và lý luận được tích lũy từ hoạt động thực tiễn lẫn học tập, nghiên cứu lý luận đã chuẩn bị đầy đủ cho việc sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) đã đánh dấu bước ngoặt căn bản cho Cách mạng Việt Nam, chấm dứt một thời kỳ dài khủng hoảng con đường giải phóng dân tộc; đồng thời, mở ra một triển vọng mới cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) đã định hình rõ ràng cho con đường cách mạng Việt Nam, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, t. 12, tr. 563). Đi theo con đường đó là con đường khoa học, chân chính, được trang bị bởi chủ nghĩa Mác - Lênin. Chính con đường khoa học và chân chính này đã đưa Cách mạng Việt Nam giành được chính quyền vào năm 1945, giành chiến thắng trong cuộc khánh chiến chống thực dân Pháp (năm 1954) và sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (năm 1975).

Vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và công bằng

Khi đất nước thống nhất, với quyết tâm thực hiện “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”, Đảng ta đã quyết định thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước (1986). Qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, chúng ta đã thu được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng gặp không ít thách thức, khó khăn đặt ra.

Đó là, mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô tan rã, chủ nghĩa tư bản đã có nhiều thay đổi, điều chỉnh để thích nghi mới. Sự tự điều chỉnh, tự thay đổi đã làm cho chủ nghĩa tư bản xác lập được những thành tựu rực rỡ về khoa học và công nghệ cũng như những giá trị vật chất mà chúng tạo ra. Trước những thành tựu đó của chủ nghĩa tư bản, nhiều người trong xã hội chúng ta tỏ ra do dự, dao động về lập trường, ngã theo chủ nghĩa tư bản.

Bằng sự khái quát thực tiễn, Tổng Bí thư đã chỉ rõ về cơ sở khoa học của chủ nghĩa xã hội cũng như những thực trạng đưa đến những khó khăn cho Cách mạng Việt Nam.

Tổng Bí thư viết: “Càng đi vào chỉ đạo thực tiễn, Đảng ta càng nhận thức được rằng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề; các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại cho nên lại càng khó khăn, phức tạp, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới”.

Để Nhân dân hiểu rõ hơn chủ nghĩa xã hội cũng như con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Tổng Bí thư nói rõ việc chúng ta bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là “bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”. Đây là sự tiếp thu, thừa kế quan điểm biện chứng và quan điểm phát triển trong di sản của chủ nghĩa Mác – Lênin và xuất phát từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

Xu thế phát triển của dân tộc và thời đại ngày nay là xu thế hướng tới các giá trị độc lập dân tộc, tự do, dân chủ, tiến bộ và hợp tác quốc tế. Để phù hợp với xu thế đó, chúng ta đã lựa chọn con đường phát triển đất nước với việc lấy con người làm trung tâm. Tổng Bí thư viết: “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hoá, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”.

Để xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đồng thời thực hiện đồng bộ các biện pháp phát triển đất nước, chú trọng đến vấn đề quản lý và phát triển xã hội như xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đây chính là điều quan trọng để hướng tới giải phóng cho con người, đưa lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, Tổng Bí thư đã chỉ rõ mục tiêu của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội là làm cho Nhân dân ai cũng được thừa hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, không ai bị bỏ lại phía sau mà tất cả cùng tiến trên con đường phát triển của đất nước.

Thực tiễn đạt được trong hơn 90 năm qua đã cho thấy chúng ta kiên định về con đường, sự sáng tạo về lý luận, tạo được niềm tin trong Nhân dân và bạn bè quốc tế.

Điểm qua những thành công của đất nước trong lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là thực hiện công bằng xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của nhà nước và giám sát của xã hội mà kết quả cụ thể chính là “Những kết quả, thành tích đặc biệt đạt được của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ đầu năm 2020 được Nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”. Những thành tựu này chính là nhờ sự sáng tạo lý luận và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Sự sáng tạo lý luận về chủ nghĩa xã hội không chỉ thể hiện trong lĩnh vực phát triển kinh tế mà giải quyết tốt hài hòa, đảm bảo giữa phát triển kinh tế gắn với văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường sinh thái được đảm bảo...

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự tổng kết toàn diện, đầy đủ, sâu sắc cả trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn của hơn 90 năm cách mạng Việt Nam. Sự tổng kết này đã tạo niềm tin vững chắc cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục ra sức phấn đấu, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra. 

 TS. Nguyễn Thế Phúc 

(Trưởng Khoa Lý luận chính trị, Trường đại học Khoa học - Đại học Huế)

https://baothuathienhue.vn/chu-nghia-xa-hoi-va-su-giai-quyet-nhung-van-de-thuc-tien-a100752.html

Tin liên quan
Xem tin theo ngày