Dập ‘vùng đỏ’, giữ ‘vùng xanh’
Cập nhật 19/07/2021

Dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam đang diễn biến phức tạp, số ca dương tính và bệnh nhân chuyển nặng tiếp tục tăng cao với các chuỗi lây nhiễm, ổ dịch chưa xác định được nguồn lây. Chống dịch trong tình hình mới, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19 sáng 18/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: Với “vùng đỏ” có mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao cần nhanh chóng đưa F0 khỏi cộng đồng để dập dịch. Mặt khác, thực hiện tầm soát, sàng lọc để giữ chặt “vùng xanh” an toàn.

Tập trung kiểm soát thật tốt tình hình

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19 sáng 18/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đợt dịch lần này tại Việt Nam với biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh, đã được ghi nhận tại 58/63 tỉnh thành phố. Trong đó, TP HCM và một số tỉnh miền Nam đang diễn biến phức tạp với số ca mắc liên tục tăng do dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng, với các chuỗi lây nhiễm, ổ dịch chưa xác định được nguồn lây. Nhiều người đã di chuyển đi/đến TP HCM trong thời gian trước đó, có thể mang mầm bệnh nhưng chưa được phát hiện.

Tại TP HCM, số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua khoảng 1.500 ca/ngày và có xu hướng gia tăng liên tục qua từng ngày. Thành phố có 72 ổ dịch, trong đó có 45 ổ dịch ổn định và 27 ổ dịch đang diễn biến. Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 nhận định, nếu không tập trung kiểm soát thật tốt tình hình tại TP HCM và các tỉnh lân cận, nhất là ở Bình Dương, có thể dẫn tới hệ thống y tế bị quá tải. Nguy cơ hiện hữu là dịch từ TP HCM sẽ lây lan rộng ra các tỉnh khác.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, cần phân loại trong 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thành 2 nhóm. Đối với nhóm tương đối an toàn, dịch còn ít thì tiếp tục thực hiện theo chiến lược: Ngăn chặn - phát hiện - truy vết - khoanh vùng - dập dịch và điều trị.

Còn đối với TP HCM, Bình Dương và những khu vực dịch lây nhiễm cao, đậm đặc, lây lan rộng thì cần có những giải pháp mới, cách làm mới với “2 mũi giáp công”. Một mũi tập trung tại những “vùng đỏ” - có mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao để nhanh chóng đưa F0 khỏi cộng đồng, sớm dập dịch. Mũi còn lại thực hiện tầm soát, sàng lọc để giữ chặt “vùng xanh” an toàn.

Lập kho trang thiết bị, vật tư y tế dã chiến tại tâm dịch

“Trước tình hình phức tạp của dịch, Bộ Y tế đã lên kế hoạch và chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, nhu cầu thực tế về sinh phẩm chẩn đoán Covid-19 để chống dịch đang ở mức rất cao.

Đợt dịch lần này Việt Nam đã sử dụng thêm 10 triệu test, tăng cao hơn nhiều so với đợt dịch trước là 2 triệu test. Bộ Y tế đã lên phương án đàm phán trực tiếp để mua test và máy móc, thiết bị y tế từ các nhà sản xuất nước ngoài, đồng thời tăng cường sản xuất trong nước. Các sinh phẩm xét nghiệm sẽ ngay lập tức được chuyển về các vùng có dịch.

Bộ Y tế sẽ thành lập 25 xe xét nghiệm lưu động với công suất khoảng 2.000 mẫu đơn PCR/ngày để hỗ trợ không chỉ cho các địa phương nguy cơ cao mà tiến hành sàng lọc, tầm soát tại những khu vực an toàn.

Đối với các trang thiết bị phục vụ công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đang tính toán nhu cầu các thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch như hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, máy thở oxy cao áp, bơm tiêm điện...

Đồng thời, Bộ Y tế đã thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP HCM và sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ. Kho trang thiết bị này đã được giao cho Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM và Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy để chủ động phân bổ trang thiết bị cho các địa phương trong khu vực.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo thống nhất giao Bộ Y tế chỉ đạo mua, trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ phục vụ đội ngũ y, bác sĩ, không để bất kỳ bệnh viện nào thiếu đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lương điều trị.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế thống kê tất cả vật tư, trang thiết bị cần mua. Những loại ngân sách Nhà nước có thể bảo đảm được thì thực hiện mua ngay. Những bất cập trong quy định hiện hành, Bộ Y tế trình Chính phủ để có Nghị quyết về vấn đề này.


Chăm sóc bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Hà Văn Đạo.

Điểm tựa cho những người bệnh nặng

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chính quyền TP HCM cùng Bộ Y tế đã gấp rút thành lập Bệnh viện (BV) hồi sức Covid-19.  Đây là nơi chuyên điều trị những bệnh nhân liên quan đến Covid-19, trở thành  điểm tựa người bệnh nặng với quy mô hạ tầng, nhân lực y, bác sĩ chuyên môn cao.

Nằm tại khu phố 3 (phường Tân Phú, TP Thủ Đức), BV hồi sức Covid-19 vừa mới đi vào hoạt động ngày 15/7, được thành lập trên cơ sở hạ tầng của BV Ung bướu TP HCM (cơ sở 2). Trước đó, vào tháng 10/2020 sau khi được đưa vào hoạt động với mục đích giảm tải cho BV Ung bướu cơ sở 1 (quận Bình Thạnh) nhưng vì nhiều lý do, cơ sở 2 này vẫn rất ít bệnh nhân. Vì vậy, việc chuyển sang điều trị những bệnh nhân Covid-19 trong thời điểm hiện nay là vô cùng cần thiết, hợp lý bên cạnh những BV dã chiến.

Trong khi số người nhiễm Covid-19 trên địa bàn TP HCM đang tăng cao, tình trạng quá tải điều trị bệnh nhân Covid-19 là điều khiến nhiều người lo lắng, bất an. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng chia sẻ, vài ngày qua đã xuất hiện tình trạng một số BV ở TP HCM từ chối tiếp nhận bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.

Nguyên nhân một phần vì quá tải, một phần vì cơ sở hạ tầng để điều trị bệnh nhân Covid-19 là không đơn giản. Chính vì vậy, với quy mô lên đến 1.000 giường cùng những trang thiết bị hiện đại nhất thành phố, đây thực sự là chỗ dựa cho người bệnh, thân nhân người bệnh.

Ngoài ra, với khoảng 1.400 y, bác sĩ của nhiều tỉnh thành khác chi viện cho TP HCM sẽ làm việc ở đây cũng là điều mà nhiều bệnh nhân, thân nhân cảm thấy an tâm hơn trong thời gian tới.

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng,  Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM,  quy trình điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng có nhiều lộ trình phức tạp nhưng những liệu trình cần thiết như thở oxy, thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn hay lọc máu... đều được trang bị gấp rút tại BV Covid-19. Trong những ngày đầu đã có 30 bệnh nhân nặng được chuyển đến đây để điều trị.

Song song với đó, công tác chuẩn bị cho việc hoàn thành đủ 1.000 giường cũng gấp rút được tiến hành. Do lần đầu tiên thành lập một BV hồi sức cho bệnh nhân Covid-19 nên vừa điều trị, vừa hoàn thiện các cơ sở hạ tầng cần thiết khác.

Trong khi đó, bác sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc BV hồi sức Covid-19 cho biết, trong quy mô 1.000 giường bệnh có 100 giường bố trí hồi sức tích cực cho bệnh nhân nguy kịch còn lại 900 giường cho bệnh nhân nặng. Theo đó, BV hồi sức Covid-19 này hiện nằm ở tầng 4, trong khi các tầng dưới (tầng 3) vẫn duy trì điều trị một số bệnh nhân mắc ung thư.

Về nhân lực của BV, bác sĩ Lê Anh Tuấn cho biết, BV sẽ có 340 bác sĩ, hơn 1.000 điều dưỡng cùng lực lượng hỗ trợ khoảng 500 nhân viên. Đội ngũ nhân lực này đến từ BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định và các BV tuyến Trung ương do Bộ Y tế cử vào và huy động lực lượng từ các tỉnh bạn…

Cũng theo thông tin từ lãnh đạo BV hồi sức Covid-19 thì do vừa mới thành lập, BV hiện vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, bổ sung những hạ tầng cần thiết khác như khu vực cập nhật thông tin, dữ liệu cũng như kết nối với các BV khác. Ngoài ra, tùy vào tình hình phòng, chống, ngăn ngừa dịch bệnh trên địa bàn TP HCM, lãnh đạo sẽ quyết định thời gian và quy mô tiếp theo của BV này.

Cùng với những bệnh viện hiện hữu, các BV dã chiến sẽ là nơi đầu tiên tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 trong khi BV hồi sức Covid-19 này cũng sẽ san sẻ gánh nặng điều trị, quá tải với các địa điểm khác. Đặc biệt BV sẽ khiến những người không may mắc Covid-19 cảm thấy an tâm phần nào bởi quy trình điều trị thì bệnh nhân không có người thân bên cạnh.

daidoanket.vn
Tin liên quan
Xem tin theo ngày