Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Cập nhật 30/03/2020

Cách đây 45 năm, sáng ngày 26/3/1975, lá cờ giải phóng chính thức tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Để có được ngày vui toàn thắng, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, gian khổ; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; phát triển cơ sở cách mạng; xây dựng căn cứ địa cách mạng. Thế trận chiến tranh nhân dân được phát huy mạnh mẽ, từng bước đánh bại các chiến lược của Mỹ - ngụy trên chiến trường.

Thừa Thiên-Huế có nhiều điểm tham quan thu hút du khách, trong đó nổi bật nhất là cố đô Huế
với hệ thống di tích, di sản triều Nguyễn, các đền, chùa, lăng tẩm... Trong ảnh: Điện Thái Hoà
nằm trong khu vực Đại Nội của kinh thành Huế, được xây dựng vào năm 1805 thời vua Gia Long. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chiến dịch mùa xuân 1975 - Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế

Chiến dịch mùa Xuân 1975 giải phóng Thừa Thiên Huế diễn ra trong 2 đợt: đợt 1 từ 05/3 đến 14/3/1975 và đợt 2 từ 21/3 đến 26/3/1975.

Ngày 05/3/1975, tiếng súng tiến công của quân và dân ta đồng loạt nổ ra trên khắp chiến trường Thừa Thiên Huế chính thức mở màn chiến dịch. Các lực lượng của ta phối hợp đánh chặn xe địch trên đèo Hải Vân để cắt đứt tuyến giao thông Huế - Đà Nẵng, đánh sập cầu An Lỗ trên tuyến Quốc lộ 1, cắt đứt sự chi viện của địch ra phía Bắc, đồng thời dùng pháo binh tấn công các mục tiêu địch ở Đồng Lâm.

Theo kế hoạch đã định, toàn bộ lực lượng của ta từ Phú Lộc đến Phong Điền bất ngờ tấn công vào các chi khu quân sự địch, hỗ trợ nhân dân nổi dậy diệt ác, trừ gian, giành quyền làm chủ. Phối hợp và hỗ trợ bộ đội địa phương và dân quân du kích, lực lượng vũ trang Quân khu và Quân đoàn II nhất loạt nổ súng tiến công địch trên toàn tuyến giáp ranh ở Tây Nam, Tây và Tây Bắc Huế làm cho chúng bất ngờ, bị động.

Chỉ trong 02 ngày (ngày 08 và 09/3/1975), quân và dân Thừa Thiên Huế nổi dậy khắp nơi từ Phú Lộc đến Phong Điền, tấn công vào 30 chi khu và phân khu của địch, đẩy quân địch vào thế bị động, hoang mang, lúng túng và thời cơ mới xuất hiện. Đến ngày 14/3, đợt I kết thúc, lúc này toàn bộ quân địch ở Tây Nguyên bắt đầu rút chạy. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương kịp thời chỉ đạo Mặt trận Trị Thiên Huế chớp lấy thời cơ, nhanh chóng chuyển hướng tấn công, tiêu diệt toàn bộ quân địch, giải phóng Huế và toàn bộ Trị Thiên.

Đêm 18 rạng ngày 19/3, lực lượng vũ trang của ta ở hướng Bắc đồng loạt tấn công giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Địch hốt hoảng bỏ chạy vào tuyến phòng ngự Nam sông Mỹ Chánh. Ngày 20/3, Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân đoàn I của địch vội vã bay ra Huế họp cùng cấp dưới bàn "Kế hoạch tử thủ Huế". Tại Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu cam kết với binh lính sẽ bảo vệ Huế đến cùng.

Đến 5 giờ 00, ngày 21/3, tiếng súng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta giải phóng Thừa Thiên Huế đợt II đồng loạt khai hỏa. Từ ba hướng: Bắc, Tây và Nam, các lực lượng vũ trang Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn II liên tục tấn công đập tan các tuyến phòng thủ của địch trên tuyến giáp ranh, cùng lực lượng vũ trang địa phương cắt đứt hoàn toàn đường số 1, chặn đứng đường rút chạy của địch vào Đà Nẵng, hình thành thế chia cắt, bao vây gọng kìm ép sát Huế, đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 1 bộ binh và Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến của địch, chính thức mở màn chiến dịch Huế - Đà Nẵng, một trong ba chiến dịch quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 lịch sử.

Hàng nghìn xe địch di tản từ Huế vào Đà Nẵng bị chặn đứng phải quay trở lại trong hoảng loạn. Pháo binh tầm xa của Quân giải phóng dội bão lửa vào các mục tiêu ở Phú Bài, Sở chỉ huy của địch ở Mang Cá, ở La Sơn, Lương Điền, Mũi Né, căn cứ Đống Đa, sân bay Tây Lộc. Phối hợp với đòn tiến công thần tốc của bộ đội chủ lực, quân và dân các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng nhanh chóng nổi dậy đánh chiếm các quận lị, giành quyền làm chủ. Các đội công tác vũ trang, chính trị, biệt động bám sát địa bàn, tổ chức hỗ trợ lực lượng quần chúng nổi dậy tấn công giành quyền làm chủ và truy quét tàn binh địch. Nhờ có sự chuẩn bị từ trước, khi bộ đội chủ lực tấn công địch vừa đến nơi, lực lượng nổi dậy các địa phương chủ động phối hợp làm chủ chiến trường, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực tấn công địch trên các hướng chủ đạo.


Quân giải phóng tiến vào cổng Ngọ Môn Huế (ảnh tư liệu)

Ngày 23/3, các mũi tấn công của quân ta từ 3 hướng, hình thành nhiều mũi bao vây kẹp chặt Huế. Ngày 24/3, vòng vây của quân giải phóng từ ba cánh Bắc, Nam và Tây chia cắt hoàn toàn quân địch, không cho chúng co cụm vào thành phố. Đường bộ bị cắt đứt, đường không bị khống chế, toàn bộ quân địch ở Thừa Thiên Huế chỉ còn một lối thoát duy nhất là rút chạy về phía cửa biển Thuận An và Tư Hiền. Nắm được ý đồ tẩu thoát của địch, một cánh quân của bộ đội địa phương tỉnh cùng dân quân, du kích huyện Phú Lộc chủ động tiến công ra chặn cửa Tư Hiền, bộ đội đặc công K5 nhanh chóng thả thủy lôi phong tỏa cửa biển ra vào, pháo binh ta tập trung hỏa lực bắn chặn cửa biển Thuận An, không cho tàu địch vào ứng cứu và bắn cấp tập vào đội hình rút lui của địch. Ngày 25/3, các cánh quân của ta từ nhiều hướng đã hợp vây tiến vào giải phóng thành phố Huế, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch. Một cánh quân ta ở phía Bắc được tự vệ và biệt động thành Huế dẫn đường đã dùng xe lam, xe đò, hon đa... nhanh chóng tiến công vào cửa An Hòa, tràn qua Tây Lộc, tiến thẳng vào Ngọ Môn. Các mũi tiến công của ta ở cánh phía Nam, phía Tây tiến vào thành phố phối hợp với quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ, đồng thời phát triển tiến công truy kích địch về phía Thuận An - Tư Hiền.

Sáng ngày 26/3/1975, lá cờ giải phóng chính thức tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng.

Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng đã cổ vũ mạnh mẽ đối với quân và dân cả nước. Đây là thắng lợi lớn nhất, rực rỡ nhất của quân và dân tỉnh nhà trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với thắng lợi oanh liệt đó, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía bắc Quân khu I và Vùng I chiến thuật; giáng một đòn mạnh vào âm mưu co cụm chiến lược của địch ở ven biển miền Trung, đẩy quân ngụy vào thế khốn đốn, suy sụp không gì cứu vãn nổi; tạo điều kiện và làm hậu phương vững chắc cho các đơn vị chủ lực tiến vào Đà Nẵng và giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Phát huy truyền thống, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Sau ngày quê hương giải phóng, Thừa Thiên Huế ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh; vượt qua khó khăn, thử thách, thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, đối phó với những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Tổng quan bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng rõ nét và có những thay đổi to lớn. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hợp lý; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân các năm trở lại đây điều đạt mức tăng trưởng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; quy mô, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi và chỉnh trang đô thị; công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực; các trung tâm văn hoá, du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ từng bước xây dựng và phát huy; an sinh xã hội bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; công tác dân tộc, tôn giáo thực hiện tốt; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được tăng cường; quan hệ đối ngoại tiếp tục mở rộng; Đảng và hệ thống chính trị có nhiều tiến bộ; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Những kết quả đó, tạo tiền đề vững chắc để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.


Khu văn hóa đa năng Dã Viên với diện tích khoảng 10,5ha, có thiết kế mang tính chất truyền thống,
bảo tồn các giá trị lịch sử trong khu vực, phù hợp với cảnh quan; hình thành một điểm nhấn mỹ quan trên sông Hương,
góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Thừa Thiên-Huế xanh, sạch, sáng và đề án "Huế - thành phố bốn mùa hoa." (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN).

Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế, chúng ta vinh dự và tự hào với những thành tựu đã đạt được của quê hương, tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, vẻ vang của Đảng, của dân tộc; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, lòng yêu quê hương, đất nước, ý chí tự lực tự cường và sức sáng tạo, nắm bắt vận hội và thời cơ mới, nêu cao quyết tâm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2020 tạo tiền đề quan trọng thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Kiều My - BTGTU
Tin liên quan
Xem tin theo ngày