Khi thấy các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa quyết liệt trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại các tỉnh, thành phố phía Nam, Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt đặt ngay tại “chiến trường” TP Hồ Chí Minh để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ, các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác “chiến đấu” với “giặc dịch” COVID-19.
Thành phần Tổ công tác gồm Thứ trưởng các Bộ: Quốc phòng (tổ trưởng), Công an, Y tế (tổ phó); Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Công thương, Giao thông vận tải; Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (thành viên).
Các thành viên là Thứ trưởng các bộ thực hiện quyền hạn của Bộ trưởng trong việc trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ mình và phối hợp với các thành viên Tổ công tác để thực hiện công tác điều phối chung của Tổ và thực hiện sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tổ công tác theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Quy chế hoạt động của Tổ công tác thực hiện theo quy định của Ban chỉ đạo quốc gia.
Có thể nói, với diễn biến phức tạp của dịch trong những ngày qua, nếu Thủ tướng Chính phủ không “thúc ép”, “nhắc việc”, chắc chắn các bộ trưởng cũng vẫn sẽ thành lập các tổ công tác để giải quyết các vấn đề phát sinh đang hiện hữu. Nhưng việc có quyết liệt, nhanh chóng, rốt ráo hay không thì chưa thể nói trước được. Nhưng chắc chắn việc người đứng đầu Chính phủ đã có “chỉ dụ” thì các bộ, ngành sẽ không thể và không dám chậm chễ.
Bởi trước đó, kết luận Hội nghị trực tuyến với 27 tỉnh, thành phố phía Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tận dụng tối đa những “giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng” khi đang thực hiện cách ly, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa để mang lại cuộc sống bình thường, bình yên cho nhân dân.
Chính phủ thì cũng đã xác định: "Công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay là chưa có tiền lệ, do vậy, vừa làm vừa điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện; trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, lắng nghe ý kiến của nhau để lãnh đạo các cấp có được các phương án hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh và điều kiện thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị".
Chính vì vậy, để các bộ trưởng không thành lập tổ công tác đặc biệt “trên giấy”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tổ công tác này phải phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, chủ động xử lý ngay những vấn đề phát sinh, đồng thời phải báo cáo hằng ngày với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống đại dịch COVID-19.
Điều đáng nói nữa là không chỉ “nhắc việc” các bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố trên cả nước cần phải có ngay báo cáo tổng thể về khả năng nguồn lực y tế của địa phương. Địa phương nào có tình hình dịch phức tạp cần hỗ trợ nhân lực, vật lực thì cần bao nhiêu. Ngược lại các địa phương khác nếu thừa thì thừa bao nhiêu?
Mục đích của việc yêu cầu các tỉnh, thành phố báo cáo khả năng nguồn lực y tế là để Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống đại dịch COVID-19 nắm được, phòng khi cần tới có thể điều phối hợp lý, mới có thể khống chế, kiểm soát tốt dịch bệnh tại mỗi địa phương. Tránh tình trạng nơi không dùng đến, nơi lại quá tải, thiếu nghiêm trọng nguồn lực y tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ quan trọng và rất cấp bách, vì thế các bộ trưởng phải tập trung chỉ đạo thực hiện, sớm thể hiện và phát huy vai trò tổ công tác đặc biệt của các ngành tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, nhất là những địa phương đang phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương không tự ý đặt ra "giấy phép con" làm ách tắc, cản trở việc lưu thông hàng hóa và người thi hành công vụ.
Mong rằng việc Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu 7 bộ trưởng thành lập các tổ công tác đặc biệt vào “chiến trường” đánh “giặc dịch” sẽ là tiền đề để các bộ, ngành, địa phương năng động, sáng tạo hơn trong công việc vào thời gian tới. Bởi có luồng ý kiến cho rằng, đáng lẽ các bộ, ngành, địa phương cần chủ động hơn, nhanh nhẹn hơn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh để giảm tải công việc lên cấp trên và chủ động hơn trong công việc. Nếu việc gì cũng cần đến chỉ đạo của Chính phủ thì làm sao công việc có thể nhanh, người dân có thể an tâm trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” như hiện nay./.
Thu Hà
https://dangcongsan.vn/noi-hay-dung/chong-giac-dich-khong-de-phai-nhac-viec-586108.html