Xây dựng phong cách người đứng đầu theo tư tưởng của Bác Hồ
Cập nhật 29/05/2020

Phong cách của Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Bác để lại cho Đảng và dân tộc ta. Việc nghiên cứu, học tập, vận dụng phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách lãnh đạo của người đứng đầu, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về phong cách lãnh đạo sâu sát. Chỉ tính trong 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc (1955 - 1965), mặc dù tuổi đã cao, công việc bộn bề, nhưng Bác Hồ đã đi thăm trên 700 địa điểm ở các địa phương, nông trường, xí nghiệp, đơn vị bộ đội, hợp tác xã nông nghiệp… từ miền núi đến hải đảo xa để thăm hỏi đồng bào, chiến sỹ, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. 

Phong cách lãnh đạo của người đứng đầu bao gồm tổng hợp các biện pháp, phương pháp, cách thức riêng, tiêu biểu mà người đứng đầu sử dụng hàng ngày để thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo của mình. Phong cách được quy định bởi chức năng, nhiệm vụ, phẩm chất, tri thức, điều kiện chính trị, điều kiện sống của người đứng đầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, nhắc nhở về phong cách của người đứng đầu là: Phong cách dân chủ, nhưng quyết đoán; lãnh đạo sát sao, quyết đoán, khéo dùng người, trọng dụng người, cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo. Các nội dung này được thể hiện cụ thể như sau:

Một là, phong cách dân chủ nhưng quyết đoán: Bác Hồ yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức phải: “Gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp xếp nó thành những ý kiến có tính hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, làm nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó” (1).  

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: Một người dù có tài giỏi đến đâu, cũng không thể nắm được hết mọi mặt của một vấn đề, cũng không thể biết hết được mọi việc trong đơn vị cũng như đời sống của xã hội. Do đó, cần có cách làm việc tập thể để phát huy trí tuệ của tập thể, trí tuệ của đông đảo quần chúng nhân dân nhằm hoàn thành nhiệm vụ của một tập thể, một địa phương, mà nếu chỉ riêng người cán bộ lãnh đạo, quản lý thì không làm nổi.

Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý; có ý thức tập thể cao, tạo ra bầu không khí làm việc dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến tập thể, phát huy trí tuệ tập thể, nhưng không có tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể thì không có những kịp thời, đáp ứng yêu cầu và công việc không thể tiến triển được.

Hàng ngày Bác Hồ đọc báo, đọc thư của đồng bào gửi đến, thấy những ý kiến hay, cần tiếp thu, những việc cần giải quyết Người đều dùng bút đỏ đóng khung lại, chuyển đến cơ quan có trách nhiệm yêu cầu nghiên cứu giải quyết.

Lãnh đạo sâu sát sẽ nâng cao tính khách quan, minh bạch, tăng cường được công tác kiểm tra, giám sát, từ đó kiểm soát tốt hơn việc thực thi quyền lực, kiểm tra, giám sát chặt chẽ sử dụng tài sản của Nhà nước, của nhân dân, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu dựa vào quần chúng nhân dân để giám sát, kiểm tra, nhằm loại trừ các hành vi trục lợi, tham ô, biến của công thành của riêng…


Bác Hồ nói chuyện tại buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính
ở cơ quan Trung ương (6/2/1953). (Ảnh tư liệu)

Hai là, phong cách khéo dụng người, trọng dụng người tài: Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Việc dùng người phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” (2) và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Dùng người mà không đúng công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài, có hại cho Đảng và cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng.

Ba là, phong cách cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo: Theo Bác Hồ, cán bộ lãnh đạo, quản lý, phải là người vừa “hồng” vừa “chuyên”, có đạo đức cách mạng, có tinh thần anh dũng, gương mẫu, chịu đựng gian khổ, hy sinh và có năng  lực thực thi nhiệm vụ được giao.

Để có tri thức khoa học, người đứng đầu phải chịu khó học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ về chính trị, văn hóa, nghiệp vụ. Nếu chủ quan, tự mãn, ít nghiên cứu lý luận và thực tiễn nên gặp thuận lợi dễ lạc quan, gặp thành công sớm phải căn bệnh kiêu ngạo, khi gặp khó khăn thì dễ lúng túng, bị động, dẫn đến bi quan, dao động, lập trường cách mạng không vững.

Bác Hồ nhắc nhở: “Học hỏi là việc phải tiếp tục, suốt đời. Suốt đời phải gắn lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày thay đổi mới, nhân dân càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân” (3).

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng phong cách lãnh đạo của người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng góp phần truyền cảm hứng, tạo niềm tin và động lực cho cán bộ, đảng viên tích cực tham gia, nêu cao trách nhiệm trong công tác và cuộc sống, tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân.

Để xây dựng phong cách người đứng đầu, trong điều kiện mới, chúng ta cần tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản, như tăng cường giáo dục, rèn luyện, xây dựng phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, khơi dậy ý thức tự giác, tinh thần học hỏi thường xuyên trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên; xây dựng các quy định về đạo đức công vụ, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát…

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII và các chuyên đề về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” trong nội bộ, đòi hỏi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp phải vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải gương mẫu, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 272.

2, 3. Sđd, Tập 5, tr. 273, 293.

ĐCSVN
Tin liên quan
Xem tin theo ngày