Tính từ ngày 28/4 đến 17 giờ ngày 27/7/2021, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận 22 trường hợp dương tính với SARS - CoV-2, 879 trường hợp F1 và 7960 trường hợp F2. Toàn tỉnh đã thiết lập hoạt động 08 khu cách ly quân sự và 11 khu cách ly dân sự 1.601 phòng. Với tổng số chốt kiểm soát y tế đang triển khai là 15 (11 chốt thành lập theo quyết định UBND tỉnh, 04 chốt địa phương). Tổng xét nghiệm PCR là 79.059 trường hợp (dương tính: 24, âm tính: 77.625, chờ kết quả: 1.380), test nhanh kháng nguyên là 15.928 trường hợp (dương tính: 14, âm tính: 15.914)...
Tại buổi làm việc sau khi nghe các đơn vị báo cáo các nội dung liên quan đến nguồn nhân lực, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở cách ly, vật tư y tế cũng như công tác bảo vệ môi trường. Đồng chí Phó Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực chung cũng như chia sẽ những khó khăn của các lực lượng, các ngành liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực khẳng định công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người dân phải ưu tiên hàng đầu. Huy động mọi lực lượng tập trung cho phòng chống dịch, lấy nội lực là chính, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ và tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài. Phải chuẩn bị cụ thể, chi tiết các phương án, kịch bản xấu nhất nhằm sẵn sàng huy động mọi nguồn lực giúp xử lý nhanh và kịp thời khi có tình huống xảy ra. Các cơ quan có liên quan đến công tác phòng, chống dịch phải nhanh nhạy, đáp ứng kịp thời trước yêu cầu mới, mục tiêu mới.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tại buổi làm việc
Đợt bùng phát dịch lần thứ tư có quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay với diễn biến rất phức tạp, khó lường, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, đời sống, sức khoẻ của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình cấp bách hiện nay, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị, phải rà soát lại tất cả nguồn nhân lực y tế trên địa bàn, phân loại đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nghiên cứu và nắm chắc đội ngũ y tế hồi sức tích cực. Tổng rà soát tất cả các cán bộ về hưu có đủ điều kiện sức khỏe, có kinh nghiệm, có tay nghề đặc biệt trong ngành cấp cứu hồi sức cũng như rà soát lực lượng sinh viên y tế để khi cần sẵn sàng huy động. Triển khai sớm phương án, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng kiến thức về hồi sức cấp cứu… học hỏi kinh nghiệm vận hành bệnh viện dã chiến. Rà soát, phân loại lực lượng y tế cộng đồng, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ y tế cấp xã. Phải phân tầng điều trị để phân bổ nguồn lực y tế theo từng vùng, chuẩn bị cơ sở vật chất khi vận hành, đảm bảo cho từng khu vực. Đảm bảo năng lực xét nghiệm PCR…
Đồng chí yêu cầu cần xem xét, nghiên cứu một số nội dung nhằm giảm tải cho y tế chuyên nghiệp như hướng dẫn cho người dân tự lấy mẫu tại nhà, hay lên phác đồ điều trị bệnh nhân nhiễm Covid tại nhà… Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, trong việc có ý thức tự bảo vệ mình, đặc biệt người dân trở về từ vùng dịch. Phải làm tốt công tác cách ly dịch bệnh, tuyệt đối không để lây nhiễm ra bên ngoài, đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự khu cách ly. Phải đảm bảo vệ sinh môi trường phục vụ phòng, chống dịch, thu gom rác thải tại cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế… Đảm bảo ngân sách phòng, chống dịch. Huy động hệ thống chính trị, Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục làm tốt phong trào hỗ trợ các khu cách ly…