Từ người con của vùng quê nghèo Quảng Bình
Võ Nguyên Giáp (tức Võ Giáp) sinh ngày 25/8/1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thân sinh là cụ Võ Quang Nghiêm - một nhà nho nghèo nhưng đức độ, đầy khí tiết và nặng lòng với quê hương đất nước. Thuở nhỏ, Võ Nguyên Giáp được người cha giáo dục rất nghiêm cẩn không chỉ trong việc học hành mà còn về lễ giáo, gia phong, đạo đức làm người. Chính những bài học đầu đời về lẽ làm người ấy đã in đậm trong suốt cuộc đời ông sau này. Với tư chất thông minh, Võ Nguyên Giáp đạt kết quả học tập rất xuất sắc, cậu đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học toàn tỉnh Quảng Bình. Năm 1925, Võ Nguyên Giáp thi đỗ vào Trường Quốc học Huế với thứ hạng rất cao (xếp thứ hai trong tổng số dự thi) và trong thời gian 2 năm học ở Quốc học, Võ Nguyên Giáp luôn duy trì thành tích học tập đứng đầu lớp. Song dường như với người học trò trẻ tuổi Võ Nguyên Giáp thì việc học ở trường lớp là chưa đủ và cũng chưa phải là mối quan tâm lớn nhất của cậu. Những buổi đến thăm, được cụ Phan Bội Châu nói chuyện về lý tưởng cách mạng cùng với những tư tưởng của Tôn Dật Tiên, Lenin,... đã thôi thúc Võ Nguyên Giáp theo đuổi đi tìm chân lý lịch sử. Năm 1927, khi vẫn chưa hoàn thành bậc trung học, Võ Nguyên Giáp bị đuổi học khỏi Trường Quốc học sau khi cùng với các bạn học của mình (Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn...) tổ chức một cuộc bãi khóa. Trở về quê nhà Quảng Bình, Anh Võ Nguyên Giáp (lúc này đã 16 tuổi) được giới thiệu tham gia Tân Việt cách mạng Đảng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) và lần đầu tiên anh được tiếp cận với những tài liệu cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Một năm sau, anh quay trở lại Huế để bắt đầu học viết báo và hoạt động báo chí phục vụ cho lý tưởng mà mình theo đuổi. Chính trong thời gian ở Huế lúc này, Võ Nguyên Giáp có điều kiện để nghiên cứu những học thuyết về kinh tế, xã hội, dân tộc, cách mạng của các nhà tư tưởng nổi tiếng, đặc biệt là anh được đọc cuốn "Bản án chế độ thực dân Pháp" và tờ báo "Người cùng khổ" của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Được tiếp cận với những tư tưởng cách mạng, tiến bộ cùng với trải qua hoạt động thực tiễn (chủ yếu trên mặt trận báo chí), Võ Nguyên Giáp đã xác định cho mình một con đường, một lý tưởng mà anh đã dấn thân, cống hiến cả cuộc đời.
Đến người thầy giáo dạy lịch sử rồi trở thành Người cộng sản kiên trung, trong sáng, mẫu mực, Nhà quân sự thiên tài, vị tướng tài ba, xuất chúng của Việt Nam, Người đồng chí, cộng sự, Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Năm 1930, trong sự kiện Xô-viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị thực dân bắt, giam tại lao Thừa Phủ (Huế). Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ, anh được trả tự do nhưng nhà cầm quyền Pháp trục xuất anh khỏi Huế. Anh Võ Nguyên Giáp ra Hà Nội, thi đỗ vào Trường Trung học Albert Sarraut để hoàn thành chương trình trung học và lấy bằng tú tài toàn phần ban triết, rồi theo học và nhận bằng cử nhân luật Trường Đại học Luật Hà Nội (năm 1937). Như vậy, có thể nói, Võ Nguyên Giáp là người được đào tạo rất cơ bản, vốn kiến thức ông tích lũy được trong thời gian đi học đã giúp ông rất nhiều sau này trên các cương vị khác nhau trong bộ máy của Đảng, Nhà nước.
Thời gian ở Hà Nội, Võ Nguyên Giáp hoạt động rất tích cực trong phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương, đặc biệt trên lĩnh vực báo chí. Anh là Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương Đại hội, tham gia thành lập và viết báo tiếng Pháp Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), đồng thời là biên tập viên một số tờ báo khác. Năm 1939, anh trở thành thầy giáo dạy môn Lịch sử tại Trường tư thục Thăng Long. Thật thú vị thay, người thầy giáo đã từng đứng trên bục giảng, dạy cho học sinh của mình về những sự kiện, những nhân vật, những trận đánh lừng danh lịch sử lại là người sau này làm nên lịch sử và đi vào lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới với tư cách là một trong những nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ XX.
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Năm 1940 có thể nói là là thời điểm mang tính bước ngoặc đối với cuộc đời của Võ Nguyên Giáp cũng như sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Theo sự phân công của Đảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp (cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng) được cử đi gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Từ sau thời điểm này, những dấu mốc quan trọng của sự nghiệp cách mạng đều gắn liền với tên tuổi của hai con người vĩ đại: Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Với nhãn quan, cách nhìn người và dùng người hết sức sáng suốt, tài tình của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giao cho Võ Nguyên Giáp phụ trách công tác quân sự, để từ đó, lịch sử dân tộc ta cũng như lịch sử quân sự thế giới có một vị tướng, một nhà quân sự tài ba, lỗi lạc.
Ngày 22/12/1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm tổ chức ra Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 cán bộ, chiến sĩ - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã đánh thắng hai trận đầu, diệt đồn Phai Khắt và Nà Ngần, mở ra truyền thống "đánh thắng trận đầu" của quân đội ta về sau. Từ đây, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự trưởng thành, lớn mạnh và những chiến công vang dội của quân đội ta.
Sau Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), với trọng trách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ, rồi Tổng Tư lệnh Quân đội, Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp chỉ đạo, triển khai đường lối chiến tranh cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; trực tiếp vạch ra và tổ chức thi hành các kế hoạch, chiến lược, sách lược tác chiến. Năm 1948, đồng chí Võ Nguyên Giáp được thụ phong cấp hàm Đại tướng khi vừa 37 tuổi, trở thành vị Đại tướng đầu tiên của quân đội ta - lần phong cấp hàm đầu tiên và cũng là duy nhất trong suốt cuộc đời binh nghiệp của Ông. Với nhiều người thì danh xưng "Đại tướng" cũng chỉ để nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông là người chỉ huy trực tiếp cuộc chiến đấu giữ Hà Nội trong những ngày đầu kháng chiến, kìm chân địch để Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lực lượng của ta rút về căn cứ an toàn; là chỉ huy các chiến dịch thắng lợi của quân ta như Việt Bắc (1947), Biên giới (1950)... đặc biệt, với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, tên tuổi của Võ Nguyên Giáp đã được biết đến rộng rãi trên khắp thế giới. Ý nghĩa, tầm vóc, nguyên nhân thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước phân tích, đánh giá rất nhiều, dưới nhiều góc độ, cách nhìn khác nhau, song đều thống nhất một nhận định rằng: Chiến dịch Điện Biên Phủ là minh chứng cho thiên tài dụng binh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với quyết định thay đổi phương châm, cách đánh từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Có thể nói, chính quyết định này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm thay đổi cả dòng chảy lịch sử cách mạng và dân tộc.
Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng, nhưng cả dân tộc ta phải vượt qua một chặng đường dài với thử thách lớn hơn, khốc liệt hơn để đi đến thống nhất, độc lập hoàn toàn. Trong cuộc kháng chiến bền bỉ, lâu dài với kẻ thù có sức mạnh kinh tế, quân sự lớn hơn nước ta rất nhiều, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã dành hết tâm sức, trí tuệ, cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nghiên cứu, đề ra đường lối đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của cách mạng miền nam để đưa phong trào cách mạng tiến lên. Trong cuộc đấu trí cân não với bộ máy chiến tranh của đế quốc Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chứng tỏ là một nhà chiến lược, nhà tổ chức đại tài, làm thất bại các chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hóa chiến tranh" ở miền Nam cũng như các cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc của đế quốc Mỹ . Tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nữa được thể hiện trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, khi nhận thấy thời cơ, vận hội đã tới, với tinh thần "một ngày bằng hai mươi năm", Đại tướng Tổng Tư lệnh đã ra mệnh lệnh "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa..." như một lời giục giã toàn quân ta xốc tới mặt trận, quyết chiến trận cuối cùng, thu giang sơn về một mối.
Trong 21 năm (1954 - 1975), Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có hai quyết định lịch sử. Nếu như trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" để làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" thì trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975 là quyết định thần tốc, táo bạo để nhanh chóng giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc. Đó là sự quyền biến nhất định phải có của một vị tướng và là tài năng, bản lĩnh của một thiên tài quân sự.
Với thời gian dài được sống và làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người trao cho nhiều trọng trách trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao... Võ Nguyên Giáp chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tìm hiểu cuộc đời và con người Ông từ sau cuộc gặp gỡ với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc năm 1940, chúng ta có thể thấy phảng phất hình bóng của Người thầy, vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Ông không chỉ là người tham gia đề ra đường lối mà còn là người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện đường lối quân sự theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tế. Phong cách, đạo đức, lối sống của Ông chính là sự thực hành phong cách, đạo đức, lối sống của Người thầy vĩ đại Hồ Chí Minh. Đó là tinh thần "làm cách mạng phải dĩ công vi thượng", là đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là tinh thần tận tụy, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; là lối sống khiêm tốn, giản dị, thanh bạch, trong sáng, đầy nghĩa tình... Về phương diện học thuật, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người sớm nghiên cứu và viết về Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách cơ bản, toàn diện, hệ thống và đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt đã góp phần xây dựng nền móng cho bộ môn khoa học Hồ Chí Minh học. Với ba chuyên luận: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, “Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh”, “Thế giới đổi thay, tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong thời kỳ mới.
Năm nay là tròn 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng là 8 năm Đại tướng giã từ cõi trần thế, về với "thế giới người hiền". Đại tướng đã đi xa, nhưng cuộc đời, sự nghiệp, công lao của Đại tướng đối với dân tộc, non sông, đất nước ta mãi mãi được các thế hệ người Việt Nam trân trọng và khắc ghi. Đại tướng mãi mãi sống trong lòng nhân dân ta, quân đội ta, mãi mãi là "Đại tướng của nhân dân", "Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng".
Hoàng Ngọc Anh