Nhiều kiến nghị chính đáng
Kết quả các buổi tiếp xúc cho thấy, cử tri hoan nghênh Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa chỉ đạo các cơ quan phối hợp với Chính phủ quan tâm phục hồi nền kinh tế - xã hội. Cử tri đánh giá cao sự lãnh đạo kịp thời của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù vậy, cử tri Thừa Thiên Huế kiến nghị Quốc hội cần tăng cường hơn nữa việc giám sát thực hiện các Luật, Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành. Theo ý kiến nhiều cử tri, độ trễ của các quy định, chính sách khi Quốc hội đã ban hành đến khi thực hiện trong cuộc sống là quá dài (đơn cử như: Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH14 về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững). Ngoài ra, việc nghiên cứu tăng định mức phân bổ kinh phí đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống cho đa số người dân lao động, sản xuất trong ngành nông nghiệp là vấn đề đáng lưu tâm.
Thời gian qua, việc xăng dầu tăng giá khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, tình trạng xâm thực bờ biển, sạt lở bờ sông tại các địa bàn như, Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, TP. Huế rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân. Chính quyền các địa phương, cử tri cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm phân bổ kinh phí đầu tư để bảo đảm an toàn tính mạng của người dân sống ở những khu vực này.
Trong định hướng phát triển giai đoạn sắp tới, tỉnh tập trung thu hút đầu tư, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, song một số dự án khởi công rồi bỏ hoang gây lãng phí trong khi người dân không có đất canh tác, mất thu nhập… khiến cử tri nhiều địa phương lo lắng. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp lâu dài nhằm thúc đẩy thủ tục đầu tư, phục vụ công tác hỗ trợ đầu tư; rà soát và chỉ đạo các cơ quan liên quan giám sát nhà đầu tư; kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh vai trò giám sát
Đánh giá về các ý kiến cử tri trong đợt tiếp xúc vừa qua, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu cho rằng, cử tri ngày càng quan tâm đến hoạt động dân cử, đặc biệt là hoạt động của các ĐBQH. Với vai trò giám sát, bà Sửu nhìn nhận, lãnh đạo chính quyền tỉnh đang vào cuộc rất quyết liệt, thông qua các buổi tiếp dân, tiếp nhận đơn thư của người dân hàng tháng, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương giải quyết các ý kiến, cho nên một phần các kiến nghị của cử tri đã được đáp ứng.
Mặc dù vậy, đến nay vẫn còn nhiều kiến nghị kéo dài chưa được giải quyết. Điển hình như, kiến nghị nâng cấp mở rộng khẩu độ hệ thống cầu, cống thoát nước tại tuyến đường sắt qua địa bàn thị xã Hương Thủy, Hương Trà và TP. Huế, tránh tình trạng ngập úng vào mùa mưa lũ. Xem xét, điều chuyển diện tích quy hoạch mỏ khoáng sản cát trắng quốc gia theo hướng giữ nguyên ranh giới, diện tích 5 giấy phép khai thác với 749,39ha và 5 giấy phép thăm dò cát trắng với diện tích 513,4ha trên địa bàn huyện Phong Điền; đưa ra khỏi quy hoạch khoáng sản quốc gia diện tích 1.177ha (gồm đất rừng tự nhiên: 297ha chôn mồ mả xen kẽ, 80ha diện tích các khu đất hiện trạng nghĩa trang, nghĩa địa dày đặc và nghĩa trang Nhân dân quy hoạch cho các thôn, 330ha diện tích khu dân cư hiện trạng và các loại cây trồng khác; 470ha diện tích khu trang trại tổng hợp, trong đó có 40ha dự án Saumael) để tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội; còn 2.345,21ha giữ nguyên theo quy hoạch khoáng sản.
“Trong tiến trình đầu tư, xây dựng tại Thừa Thiên Huế, Trung ương đã có sự quan tâm, một số dự án lớn được triển khai, khởi công như, Dự án Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa biển Thuận An. Dù có những kiến nghị kéo dài nhưng cũng hợp lý, xác đáng nên chúng tôi đã tổng hợp gửi đến Quốc hội. Những kiến nghị này thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành Trung ương. Đây là vấn đề lớn nên không thể giải quyết ngay lập tức được”, bà Sửu nói.
Thông tin các giải pháp về việc giám sát trong thời gian tới, đặc biệt là vai trò cầu nối giữa cử tri tỉnh nhà và Quốc hội, bà Sửu cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ đẩy mạnh giám sát việc giải quyết các kiến nghị cử tri của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt theo dõi sát sao các văn bản chỉ đạo điều hành của Quốc hội, trong đó có các nội dung liên quan đến Thừa Thiên Huế.
“Cử tri kiến nghị nghĩa là họ đang chờ đợi để được trả lời. Chúng tôi là cầu nối nên phải những người đại diện chính đáng, trung thực và kịp thời. Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục sàng lọc, theo dõi kiến nghị của cử tri, đồng thời với đó là giám sát việc giải quyết, làm thế nào để những kiến nghị của cử tri Thừa Thiên Huế được giải quyết đạt xác suất 50% trở lên. Tại kỳ họp này, trong phần thảo luận tại tổ, chúng tôi cũng sẽ cố gắng tham gia với ít nhất là 2/3 nội dung, để thông qua đó những ý kiến đại diện cho quyền lợi của tỉnh, của dân sẽ đến với Trung ương”, bà Sửu nhấn mạnh.
Bài, ảnh: LÊ THỌ
https://baothuathienhue.vn/lam-tot-vai-tro-cau-noi-dua-y-kien-cu-tri-den-voi-quoc-hoi-a113416.html