Mặt trận Việt Minh tỉnh Thừa Thiên Huế với Cách mạng Tháng 8
Cập nhật 18/08/2020

Tháng Tám năm 1945 đã trở thành mốc son chói lọi, vẻ vang trong lịch sử dân tộc ta. Thành công của Cách mạng tháng Tám đã đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu thời điểm nước ta phá tan xiềng xích của thực dân, phát xít, lật đổ chế độ phong kiến.

Huế lúc bấy giờ vừa là kinh đô của nhà nước phong kiến Việt Nam, vừa là thủ phủ của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và là nơi đặt cơ quan cai trị của phát xít Nhật. Do đó, cuộc khởi nghĩa ở Huế có ý nghĩa và tác động sâu sắc đối với cả nước: đánh dấu sự sụp đổ của chế độ phong kiến, chính phủ bù nhìn và thế lực bảo trợ là phát xít Nhật; góp phần thành lập nhà nước dân chủ cộng hòa mới.

Tháng 7-1945, chủ nghĩa phát xít lần lượt bị đánh bại và sắp sửa đến ngày bị tiêu diệt, Thường vụ Việt Minh tỉnh Thừa Thiên triệu tập cuộc họp tại nghẹo Giằng Xay (An Cựu, Huế) để xúc tiến kế hoạch vũ trang khởi nghĩa. Hội nghị nhận định thời cơ cách mạng sắp đến gần, phải gấp rút tổ chức lực lượng tự vệ chiến đấu, tổ chức quân giải phóng, tiến hành vận động nội các Trần Trọng Kim từ chức, cô lập những phần tử phản động, lôi kéo những người lưng chừng và kêu gọi những người Việt Nam đi lính cho Nhật quay súng về với Việt Minh[1].

Ngày 15-8-1945, Việt Minh Nguyễn Tri Phương[2] nhận được tin phát xít Nhật đã chính thức đầu hàng Đồng minh không điều kiện, quân Đồng minh sắp kéo vào Đông Dương để tước vũ khí của quân Nhật. Thời cơ đã đến, lệnh khởi nghĩa của Trung ương đã được phát đi, Việt Minh Nguyễn Tri Phương liền mở hội nghị bất thường. Hội nghị kêu gọi, phát động quần chúng đứng lên khởi nghĩa và quyết định một số vấn đề liên quan trực tiếp đến khởi nghĩa giành chính quyền.Hội nghị khẳng định cần thông báo ngay cho các huyện và thành phố Huế biết tin Nhật đầu hàng, thời cơ khởi nghĩa đã đến. Chỉ thị cho Việt Minh sáu huyện và thành phố Huế đẩy mạnh việc tuyên truyền, giải thích cho quần chúng thấy rõ thời cơ thuận lợi để đứng lên lật đổ chính quyền phản động, thành lập chính quyền cách mạng. Các địa phương phải chuẩn bị để khi có lệnh của tỉnh là phát động quần chúng khởi nghĩa, đồng thời cử hai đoàn lên đường xin chỉ thị của Trung ương và Liên tỉnh.

Thường vụ Việt Minh tỉnh cho in typo hàng triệu tờ truyền đơn nhằm thúc đẩy nhanh việc chuẩn bị khởi nghĩa với những nội dung phân tích thời cơ đã đến, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đứng lên khởi nghĩa dưới cờ Việt Minh giành độc lập cho Tổ quốc; hướng dẫn tổ chức và tiến hành khởi nghĩa lật đổ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng các cấp; phổ biến những khẩu hiệu đưa ra trong khởi nghĩa; hướng dẫn may cờ đỏ sao vàng và giải thích ý nghĩa của cờ; hướng dẫn tổ chức, nhiệm vụ và cách chọn người của các đội tự vệ.

Công tác vận động quần chúng với công tác vận động cá nhân nhằm giảm bớt sự chống phá của kẻ định, phân hóa kẻ thù cũng được đẩy mạnh; nhiều cơ quan của chính quyền bù nhìn và các tổ chức thân Nhật tan rã, quay sang đi theo phục vụ Việt Minh. Đảng Tân Việt Nam tự giải tán, nhiều đoàn viên tham gia các đoàn thể cứu quốc; học viên trường Thanh niên Tiền tuyến trở thành lực lượng bán vũ trang của Việt Minh; 4 huyện trưởng và nha lại sẵn sàng giao chính quyền cho Việt Minh; Hội đồng Tư vấn của Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức tập thể,... Đây là cơ sở thuận lợi quan trọng để cuộc khởi nghĩa trong toàn tỉnh thành công bằng đấu tranh chính trị[3].

Dựa vào chủ trương và biện pháp đúng đắn của Thường vụ Việt Minh Nguyễn Tri Phương, Việt Minh các huyện đã lần lượt phát động khởi nghĩa giành chính quyền tại chỗ, rồi tiến đến hợp lực giành thắng lợi ở cấp tỉnh.Những thắng lợi dồn dập từ các huyện đã tác động mạnh mẽ đến việc giành chính quyền tại thành phố Huế. Ngày 20-8-1945 Ủy ban khởi nghĩa tỉnh được thành lập, do Tố Hữu làm Chủ tịch. Ủy ban khẩn trương chỉ đạo việc khởi nghĩa ở những phần còn lại trong tỉnh, quyết định lấy ngày 23-8-1945 để tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế. Tin khởi nghĩa ở các địa phương miền Bắc và các huyện trong tỉnh Thừa Thiên tới tập dội về khiến Chính phủ bù nhìn và quân đội Nhật đồn trú ở Huế tê liệt.

Trước sức mạnh của lực lượng đấu tranh quần chúng do Việt Minh tổ chức, vào lúc 14 giờ ngày 21-8-1945, Đăng Văn Việt và Thế Lương, là hai chiến sĩ của trường Thanh niên Tiền tuyến Huế giác ngộ cách mạng đã nhanh chóng hạ cờ quẻ ly của Nam triều xuống để kéo lá cờ đỏ sao vàng lên[4] kỳ đài Huế. Sự kiện có ý nghĩa to lớn đánh dấu sự thay đổi sau 143 năm thống trị của chế độ phong kiến nhà Nguyễn và thực dân Pháp.

Đúng 16 giờ ngày 23-8-1945, hàng vạn người dân Thừa Thiên Huế cùng các đơn vị cứu quốc, tự vệ tràn về sân vận động Huế tham dự cuộc mit-tinh lịch sử. Ủy ban khởi nghĩa do Tố Hữu dẫn đầu tiến về lễ đài trong tiếng hoan hô vang rền của quần chúng. Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên làm lễ ra mắt, do Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch, Hoàng Anh làm Phó chủ tịch. Thay mặt Ủy ban lâm thời, Chủ tịch Tôn Quang Phiệt kêu gọi toàn dân đoàn kết xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân. Buổi lễ kết thúc thành công trong niềm vui lớn của nhân dân Thừa Thiên Huế, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.

Đến 28-8-1945, nhân dân Thừa Thiên Huế lại tập trung mít-tinh ở sân vận động Huế để chào mừng phái đoàn Chính phủ Trung ương gồm Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận. Trưởng đoàn Trần Huy Liệu đã thông báo cuộc tổng khởi nghĩa giành được toàn thắng trên phạm vi cả nước và giới thiệu Ủy ban Dân tộc giải phóng là Chính phủ Cách mạng lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Từng tràng pháo tay kéo dài được quần chúng nhân dân dành cho thành quả cách mạng chung của cả nước và chào mừng Chính phủ lâm thời.

Cuối cùng, chiều 30-8-1945, đại biểu Việt Minh sáu huyện và nhân dân thành phố Huế đã tập trung trước của Ngọ Môn, chứng kiến giờ phút Hoàng đế Bảo Đại – vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam làm lễ thoái vị, bàn giao Quốc ấn bằng vàng và thanh gươm nạm ngọc tượng trưng vương quyền cho phái đoàn đại diện Chính phủ lâm thời. Sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền của Việt Minh Nguyễn Tri Phương đạt được mục tiêu trọn vẹn.

Trải qua 15 năm đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân Thừa Thiên Huế đã từng bước được tập hợp, rèn luyện thử thách trong tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất, với tên gọi và tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ thay đổi qua từng giai đoạn.

Trong giai đoạn 1930 – 1935, Hội Phản đế đồng minh tỉnh Thừa Thiên chưa trở thành tổ chức để lãnh đạo phong trào nên chưa thu hút được đông đảo quần chúng tham gia mà chủ yếu hoạt động từ chủ trương chung của Đảng hoạt động chưa rõ nét lại bị khủng bố nên chịu tổn thất nặng nề.

Giai đoạn 1936 – 1939, tên gọi Mặt trận thay đổi nhiều lần, nhưng mô hình mặt trận đã rõ nét, đã tổ chức đấu tranh nên thu hút được lực lượng quần chúng tham gia đông đảo, có tác dụng tốt đến phong trào cách mạng trong tỉnh.

Đến giai đoạn 1939 – 1945, hai tên gọi Mặt trận Phản đế tỉnh Thừa Thiên và Mặt trận Việt Minh tỉnh Thừa Thiên gắn liền với cuộc đấu tranh sôi nổi chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa phát xít, giành độc lập dân tộc và giành chính quyền về tay Nhân dân, kết thúc bằng cuộc Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thắng lợi rực rỡ của Mặt trận Việt Minh tỉnh Thừa Thiên là kết quả của sự đúng đắn trong đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, của Đảng bộ tỉnh nói riêng; là sự vận dụng sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự do của Nhân dân Thừa Thiên Huế được phát huy đến mức cao độ trong một tổ chức phù hợp.

Qua thực tiễn đấu tranh thời kỳ 1930 – 1945, có thể khẳng định vai trò của tổ chức Mặt trận Dân tộc luôn hết sức quan trọng, là nhân tố không thể thiếu trong sự nghiệp đấu tranh giành và giữ độc lập, đồng thời cũng không thể tách rời sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./.



[1] Tiểu ban nghiên cứu lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế: 60 năm hoạt động của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1990, tr.60.

[2] Bí danh của Mặt trận Việt Minh tỉnh Thừa Thiên, được thành lập ngày 23-5-1945 do Nguyễn Sơn làm Bí thư.

[3] Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Sdd, tr. 66-67.

[4] Nhiều tác giả: Trường Thanh niên tiền tuyến Huế - 1945 “một hiện tượng lịch sử”, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2008, tr. 131-134.

 

Thiên Sơn
Tin liên quan
Xem tin theo ngày