Hue-S và thành tựu trong việc chuyển đổi số tại Thừa Thiên Huế
Cập nhật 11/08/2022

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết sau 3 năm triển khai, Trung tâm Giám sát và điều hành Đô thị thông minh (IOC) Huế với hạt nhân là Hue-S đã tạo nên bước tiến vượt bậc trong việc chuyển đổi số tại địa phương, góp phần lớn vào việc phát triển kinh tế, xã hội.

Hue-S là gì?

IOC Huế do Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel – Viettel Solutions (Thành viên Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) thiết kế, triển khai tại địa phương từ ngày 25.7.2019. IOC triển khai thu thập, phân tích dữ liệu sẽ được chuyển hóa thành dữ liệu số, quy trình số và được thể hiện thống nhất qua Hue-S.

Hue-S là ứng dụng nền tảng di động được xây dựng theo hướng super App (siêu ứng dụng trên nền tảng di động) với định hướng một ứng dụng duy nhất tích hợp. Hue-S vừa triển khai các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân doanh nghiệp vừa ứng dụng chính quyền số phục vụ công tác chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước tỉnh.

Theo số liệu giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay Hue-S đã có 793.050 lượt tải ứng dụng, tương đương 101,3% tổng số dân trên địa bàn tỉnh có sử dụng điện thoại di động thông minh với thời gian sử dụng trung bình 34 phút 52 giây mỗi người trên một ngày. Tính riêng năm 2021, đã có 17.371.225 lượt truy cập.


ICO Huế với hạt nhân là Hue-S đã giúp các chính quyền địa phương giải quyết nhanh chóng
những yêu cầu của người dân, xây dựng lòng tin đến mọi người...Ảnh: Nguyễn Đăng

Trên cơ sở áp dụng nền tảng số, Hue-S đã làm thay đổi cơ bản và toàn diện phương thức kết nối giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.  Đến nay, thông qua Hue-S, các cơ quan, đơn vị tại Huế đã tiếp nhận xử lý trên 58.000 phản ánh với 226 đơn vị tham gia hệ thống xử lý phản ánh hiện trường bao gồm 193 cơ quan nhà nước và 33 tổ chức, doanh nghiệp. 

Số phản ánh đã được xử lý chiếm 97,5%; thời gian xử lý các phản ánh của người dân rút ngắn từ 60 đến 70%, có những vụ việc rút ngắn đến 90%, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách nhà nước hơn 7,7 tỉ đồng tiền in giấy.

Vì sao Huế chuyển đổi số thành công?

Với Hue-S là hạt nhân của IOC, Thừa Thiên Huế được xếp ở vị trí thứ hai toàn quốc về chỉ số DTI (Digital Transformation Index - Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông) ở cấp tỉnh tại cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số năm 2020, kết quả được công bố vào tháng 10.2021. Huế tự tin hướng đến việc xây dựng một thành phố hạnh phúc cho người dân dựa trên nền tảng số.

Trong buổi toạ đàm để chia sẻ về hành trình 3 năm triển khai IOC tại địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Qua 3 năm triển khai IOC với hạt nhân là Hue-S, chúng tôi đã ghi nhận những kết quả tích cực, tác động trực tiếp đến việc sử dụng các ứng dụng trong công tác điều hành các cấp. Các ứng dụng thông minh thực hiện hướng đến người dân, lấy người dân làm trung tâm. Những kết quả đạt được đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương”.

Theo ông Bình, người dân Huế nói chung gọi vui Hue-S là Huế “méc”, gần như ai cũng biết, bởi nó có tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống từ công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ môi trường; công tác phòng chống bão, lụt, thiên tai; việc phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19; công tác truyền thông, quy hoạch đất đai; tịch hợp dịch vụ số cho doanh nghiệp cũng như góp phần thúc đẩy các giá trị nhân văn, đạo đức, tình người trong xã hội.

Theo ông Bình, sở dĩ Huế thành công bước đầu trong việc chuyển đổi số một phần nhờ sự quyết tâm của các thế hệ lãnh đạo, từ những người đi trước cho đến thế hệ của ông. Ngoài ra, tinh thần triển khai quyết liệt và lựa chọn các nội dung, giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương đã giúp Huế có bước tiến mạnh mẽ trong việc chuyển đổi số.

Laodong.vn

Tin liên quan
Xem tin theo ngày