Kinh tế phục hồi và phát triển
Theo báo cáo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dầu bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhiều lĩnh vực sản suất kinh doanh, du lịch, dịch vụ giảm sâu nhưng các lĩnh vực kinh tế của tỉnh vẫn có những điểm sáng. Hoạt động sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực; nhất là sản xuất kinh doanh các ngành công nghiệp bị tác động, ảnh hưởng do dịch gây ra trong thời gian qua đang dần hồi phục và ổn định trở lại; tình hình tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm các doanh nghiệp có nhiều tín hiệu khả quan.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trong 7 tháng đạt 13.528 tỷ đồng, đạt 50,1% kế hoạch, tăng 12,6% so với cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch đầu tư công 7 tháng đạt 39,5%. Thu ngân sách đạt 5.011 tỷ đồng, bằng 66% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 7 ước đạt 73,7 triệu USD, tăng 11,9% so với thực hiện tháng cùng kỳ; lũy kế 7 tháng đầu năm ước đạt 443,927 triệu USD. Đến cuối tháng 7/2020, có 643 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.378,3 tỷ đồng, tăng 1,5% về lượng và tăng 5,9% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại có 144 doanh nghiệp, giảm 11,6%. Nhờ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng đầu năm 2020 tăng 3,07% so với cùng kỳ.
Tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 13 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký khoảng 4.598 tỷ đồng, trong đó có 5 dự án vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới với vốn đăng ký 18,5 triệu USD. Cùng với đó, đã điều chỉnh 24 dự án (trong đó, 7 dự án giãn tiến độ, 3 dự án tăng thêm vốn 184 tỷ đồng). Công tác bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư và công bố thông tin dự án kêu gọi đầu tư được quan tâm, đã xây dựng thông tin gần 200 dự án; trong đó, có 16 dự án được công bố thông tin chi tiết sẵn sàng kêu gọi đầu tư.
Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp phát triển ổn định; việc tái đàn lợn gắn với các biện pháp phòng ngừa, khống chế dịch bệnh được tăng cường. Đáng chú ý, Tập đoàn Quế Lâm đã ra mắt triển khai dự án “Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F” một hình thức chăn nuôi tiên tiến, bước đầu khởi sự tại Việt Nam theo khái niệm "Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp". Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP", đã cấp Giấy chứng nhận cho 06 sản phẩm (03 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 03 sản phẩm đạt hạng 3 sao).
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm, nhất là đã tổ chức thành công và an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020 trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020) các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và tổ chức triển khai với nhiều hoạt động thiết thực...
Đảm bảo hài hòa 3 mục tiêu
Tại cuộc họp, qua thảo luận, các thành viên UBND tỉnh đã thống nhất, những tháng còn lại năm 2020 cần tập trung ưu tiên các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo hài hòa 3 mục tiêu: "Phòng chống dịch hiệu quả; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và duy trì, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội". Trong đó, tập trung các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp; nhất là thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19...
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ biểu dương sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và các lực lượng trên tuyền đầu phòng, chống dịch Covid-19, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện ca dương tính Covid-19, thành quả này cần phải được giữ vững và phát huy. Tuy vậy, trước tình hình dịch bệnh Covid - 19 đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, công tác chỉ đạo, điều hành trong bối cảnh hiện nay là tuyết đối không được chủ quan, lơ là và phải kiên định 5 nguyên tắc: ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch.
Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch Covid-19 đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch thông tin trên các phương tiện truyền thông đến tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng cũng như kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi xuyên tạc, đưa tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 tạo môi trường ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Song song với việc thực hiện mục tiêu "kép" là phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành cũng tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị gắn với xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Trọng tâm, là tập trung hoàn chỉnh các Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế để trình các cơ quan Trung ương và các đề án, tờ trình trình HĐND tỉnh thông qua như Quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021-2030, định hướng 2050; triển khai lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các thành viên UBND tỉnh thấm nhuần tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực vượt khó, cần thể hiện trách nhiệm trước nhân dân để tăng cường điều hành và hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế-xã hội năm nay cũng như năm 2021 và các năm tiếp theo. Cùng với triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động nghiêm trọng của Covid-19, các sở, ban, ngành, các địa phương tập trung nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn hiện nay; đồng thời cần thực hiện điều hành thu chi ngân sách hiệu quả và tập trung tập trung đôn đốc, hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh đã và đang triển khai trên địa bàn.
Tại buổi họp, các thành viên UBND tỉnh cho ý kiến thông qua các Tờ trình trình HĐND tỉnh, gồm: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 (đợt 1); Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và công tác chuẩn bị đầu tư năm 2021; Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với 04 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh; Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đường mặt cắt 36m và đường mặt cắt 19,5m của Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 1, khu B Đô thị mới An Vân Dương.
Tờ trình đề nghị Sửa đổi Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 14/2019/NQ-HĐND ngày 19 tháng 8 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế. Bổ sung danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Điều chỉnh bổ sung dự án, công trình vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Thừa Thiên Huế...