Từ mô hình
Mạnh dạn chuyển đổi diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang mô hình nông trại hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng, ông Nguyễn Thúc Liệu ở TDP Liễu Nam, phường Hương Xuân bước đầu khá thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cách TP. Huế 8km, nông trại hữu cơ của ông Liệu từ khi đi vào hoạt động thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ông Liệu cho biết, đã ấp ủ giấc mơ về xây dựng mô hình nông trại hữu cơ từ nhiều năm nay. Đồng thời thực hiện chủ trương tái cơ cấu nong nghiệp, nhất là chương trình OCOP – mỗi địa phương một sản phẩm, năm 2019, được phường quan tâm, tạo điều kiện về quỹ đất, cơ sở hạ tầng, ông triển khai ý tưởng nông trại hữu cơ trên diện tích 2,5ha trong đó trồng nhiều loại rau, củ, quả, ổi… theo quy trình VietGAP và dành một phần diện tích trồng hoa.
Sau khi đi vào hoạt động, lúc cao điểm, nông trại thu hút trên 600 khách, doanh thu bình quân gần 18 triệu đồng/tháng.
Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, đến nay, trên địa bàn đã bước đầu hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại Hương Trà, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích.
Theo Trưởng phòng Kinh tế TX. Hương Trà Trần Xuân Anh, địa phương đã đưa vào sản xuất những giống lúa mới có năng suất cao, qua đó, đưa diện tích lúa chất lượng cao năm 2019 lên 2.726/6.150ha, chiếm hơn 44%, tăng 426ha so với 2016. Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hoá ở Hương Toàn, Hương Vinh, Hương Phong; ổn định các vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, như cao su 2.177ha; cây sắn trên 700ha; lạc khoảng 950ha. Thị xã đã quy hoạch và từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh mang tính hàng hoá gắn với tiêu thụ sản phẩm ở Hương Chữ, Hương Xuân, Hương An…
Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ được triển khai thực hiện. Trong trồng trọt áp dụng mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP (ở Hương Toàn, Hương Xuân, Hương Vân), các biện pháp tưới tiên tiến (ở Hương Bình, Hương Vân, Hương Thọ).
Việc đưa cơ giới hoá vào các khâu sản xuất, thu hoạch nông nghiệp cũng được nâng lên. Trong chăn nuôi đã ứng dụng các tiến bộ KHKT, chuyển dần từ hình thức quãng canh với quy mô nhỏ sang sản xuất chăn nuôi hàng hoá chất lượng cao có quy mô vừa và lớn, hình thành trang trại, gia trại.
Trong lâm nghiệp đã nâng cao năng suất rừng và chất lượng rừng theo hướng phát triển rừng trồng sản xuất có năng suất cao. Nuôi trồng thuỷ sản tập trung phát triển theo hướng bền vững.
Tái cơ cấu đồng bộ và toàn diện
Theo đánh giá của lãnh đạo thị xã, ngành nông nghiệp Hương Trà vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như sản xuất mang tính nhỏ lẻ, chưa hình thành sản xuất hàng hoá, chưa gắn kết các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu bán thô nên giá trị thấp…
Tới đây, 6/15 xã, phường của Hương Trà sẽ sáp nhập vào TP. Huế theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, với 9 đơn vị hành chính còn lại, thị xã sẽ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND TX. Hương Trà Hà Văn Tuấn khẳng định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là việc làm hết sức cần thiết. Nhiều nhóm giải pháp được đưa ra để thị xã tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm cụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030; rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành sao cho phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường; thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
"Trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng sản xuất hàng hoá, chất lượng, giá trị cao và thân thiện với môi trường", Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà Trần Xuân Anh cho hay.
Thị xã sẽ tập trung phát triển các loại nông sản chủ lực là thế mạnh của từng địa phương và phù hợp với nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các biện pháp thâm canh bền vững. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến là khâu đột phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.
Đồng thời, phát triển mô hình hợp tác liên kết trong sản xuất, gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện để nông dân, doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi về đất đai, vốn và thị trường để mở rộng sản xuất.
Việc tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp là đòn bẩy để Hương Trà tiếp tục triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp thiết thực, sáng tạo và hiệu quả, phát triển nền nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững.