Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, về xếp hạng chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2019, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông là ba đơn vị dẫn đầu với chỉ số trên dưới 0,9 điểm, xếp cuối cùng là Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng. Trong khối các tỉnh, thành phố, Thừa Thiên Huế dẫn đầu và là tỉnh duy nhất có chỉ số vượt 0,9 điểm (0,9039 điểm), đứng cuối lần lượt là Bạc Liêu, Kon Tum và Cao Bằng.
Một trong những thành phần quan trọng của xây dựng, phát triển CPĐT là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP (nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh), mục tiêu của Ủy ban Quốc gia về CPĐT hết năm 2020, có 100% Bộ, ngành, địa phương phải có nền tảng này và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Tính đến hết tháng 7/2020 đã có gần 83% đơn vị Bộ, ngành, địa phương hoàn tất triển khai nền tảng này, gấp hơn 3 lần so với năm 2019.
Về hệ thống trao đổi văn bản điện tử, mục tiêu là 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử. Đến nay tỷ lệ này là 88,53%. Về dịch vụ công trực tuyến, hiện Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn tất 100% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Có 9 Bộ và 11 tỉnh, thành phố đạt chỉ tiêu 30% dịch vụ công mức độ 4. Mục tiêu đến hết năm 2020, tỷ lệ này trên cả nước sẽ đạt bình quân 50%.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xây dựng CPĐT là vấn đề lớn, vấn đề mới, thúc bách để đưa đất nước phát triển. Thời gian qua, công việc này đạt được một số bước tiến như xếp hạng chỉ số phát triển CPĐT chung của Việt Nam tăng 2 bậc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, do đó, cần phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đưa ra các chủ trương, biện pháp mới để tháo gỡ, thúc đẩy CPĐT ở Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có lộ trình cụ thể để tiếp tục xây dựng chiến lược về xây dựng CPĐT. Các cơ quan cần tập trung hoàn thiện thể chế bởi đây là khâu quan trọng, luôn phải đi trước để hình thành CPĐT.