Đến dự và cắt băng khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ VHTTDL, Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Trong các khách mời tham dự sự kiện còn có đại diện các đại sứ quán: Liên bang Nga, CHND Trung Hoa, CHDCND Triều Tiên, CHDCND Lào...; Trung tâm Văn hóa Ấn Độ, Đại sứ quán Ấn Độ, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, Văn phòng Kinh tế Đài Bắc tại Việt Nam…
Trưng bày chuyên đề “Việt Nam - Độc lập, tự cường” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Công ty bưu chính Việt Nam (Bộ TT&TT) phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh (Bộ VHTTDL) tổ chức.
Trưng bày là sự kiện để chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2020) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020); thiết thực chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Với hơn 200 tài liệu, hình ảnh tiêu biểu, trưng bày chuyên đề “Việt Nam – Độc lập, tự cường” giới thiệu đến công chúng về ý chí quyết tâm, quá trình phấn đấu vì độc lập dân tộc, những hy sinh gian khổ của cả dân tộc Việt Nam để xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay.
Nội dung Trưng bày chuyên đề gồm 5 phần:
Phần I: Đường tới độc lập, tự do: Nội dung phần trưng bày này điểm lại những dấu mốc lịch sử quan trọng của Cách mạng Việt Nam từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam năm 1858 đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Chứng kiến sự thất bại của các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) đã quyết định đi ra nước ngoài tìm con đường giải phóng dân tộc. Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực chuẩn bị các điều kiện, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.
Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành đấu tranh cách mạng, đi đến thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ.
Phần II: “Kháng chiến kiến quốc” (1945 - 1954): Những hình ảnh, tài liệu, hiện vật của phần này thể hiện giai đoạn vô cùng khó khăn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế chống thực dân Pháp. Đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm 1954.
Phần III: Xây dựng chủ nghĩa xã hội trong khói lửa chiến tranh (1954 – 1975): Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước bị chia cắt làm 2 miền. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng; ở miền Nam, đế quốc Mỹ từng bước phá hoại Hiệp định Giơnevơ, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Vài hình ảnh trưng bày về thời kỳ 1954-1975.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp 1959.
Tại miền Bắc, nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu để khôi phục kinh tế - xã hội, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội và hoàn thành vai trò hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Ở miền Nam, nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phần IV: Xây dựng lại đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (1975 -1986): Sau ngày giải phóng, cả nước bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định sản xuất. Các lĩnh vực của đời sống xã hội được tăng cường đầu tư. Hệ thống cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp được quan tâm xây dựng. Dù gặp nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, nhưng trong vòng 10 năm (1975-1985), đất nước đã đạt được những thành tựu bước đầu.
Trong quá trình xây dựng đất nước, Việt Nam lại phải anh dũng chiến đấu chống lại hai cuộc chiến tranh ngoại xâm quy mô lớn ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Vài hình ảnh trưng bày thời kỳ 1986 đến nay.
Phần V: Đổi mới, hội nhập và phát triển (1986 - 2020)
Đường lối Đổi mới được đề ra tại Đại hội VI của Đảng đã làm thay đổi bộ mặt, vị thế của đất nước, kinh tế tăng trưởng, văn hóa phát triển, xã hội ngày càng trở nên năng động và có những bước chuyển mình kỳ diệu, quốc phòng được giữ vững, an ninh quốc gia được bảo đảm.
Sự chuyển đổi đã giải phóng lực lượng sản xuất, khơi dậy và phát huy được nguồn lực của các thành phần kinh tế, mở ra cơ hội phát triển cho các ngành nghề - lĩnh vực, cơ hội làm giàu cho mỗi người Việt Nam, vì sự phồn vinh của đất nước.
Thành tựu của đất nước qua đánh giá của Tổng Bí thư,
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Vị thế Việt Nam hôm nay trong quá trình hội nhập.
Việt Nam đã chủ động hội nhập quốc tế, trước hết là hội nhập kinh tế quốc tế. Trong tiến trình hội nhập, Việt Nam đặt ưu tiên cho việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, mở rộng và đa dạng hoá thị trường, tranh thủ vốn, kinh nghiệm quản lý và khoa học công nghệ tiên tiến cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển.
Bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội ngày một khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng đảm bảo, vị thế quốc gia trên trường quốc tế ngày một tăng cao.
Bên cạnh các hình ảnh trưng bày 5 phần trên, BTC còn trưng bày bộ sưu tập tem về chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” gồm 320 phơi tem với hàng ngàn mẫu tem và vật phẩm bưu chính.
Trưng bày chuyên đề mở cửa đón khách tham quan từ ngày 30/8/2020.
Một bảng trưng bày tem.
Hình ảnh quân tình nguyện tại Campuchia.
Hình ảnh về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc.