Đồng lòng vào cuộc
Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, tại hội nghị phụ huynh HS, BHXH tỉnh đều triển khai Luật BHYT; cử cán bộ thu trực tiếp đến các trường học hướng dẫn nhân viên phụ trách lập danh sách và đảm bảo mọi HSSV đều có thẻ BHYT; tổ chức khen thưởng, động viên kịp thời đối với các trường thực hiện tốt. Cơ quan BHXH cũng trích ứng kinh phí để các trường tổ chức chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV.
Tháng 7 hằng năm, BHXH tỉnh phối hợp với các ngành liên quan tiến hành tổng kết công tác tham gia BHYT HSSV của năm học trước, đề xuất các giải pháp trong năm học mới. Liên ngành ban hành công văn hướng dẫn triển khai thực hiện về mức thu, phương thức đóng, thời hạn sử dụng thẻ để các trường có thể chủ động triển khai thu ngay từ những ngày đầu năm học. BHXH tỉnh phối hợp với các trường đại học tuyên truyền chính sách BHYT đối với toàn bộ các SV thuộc Đại học Huế; trong đó, chú trọng đến quyền lợi khi tham gia BHYT.
BHXH tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo công tác thực hiện BHYT HSSV. Trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục đưa tỷ lệ tham gia BHYT HSSV thành một tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Hằng tháng, trên cơ sở tỷ lệ đối tượng sinh viên tham gia BHYT, BHXH tỉnh thành lập tổ công tác tiến hành làm việc với các trường để tìm hiểu nguyên nhân và phối hợp cùng nhà trường tìm ra giải pháp nâng tỷ lệ tham gia BHYT HSSV.
Sinh viên Đỗ Thị Thanh Vy, Trường đại học Khoa học, ĐH Huế chia sẻ: Từ khi đi học, em đã bắt đầu tham gia mua BHYT. Lúc đầu thì đó yêu cầu bắt buộc của nhà trường nhưng sau này, khi được tìm hiểu kỹ về BHYT em đã tham gia một cách đầy đủ và tự nguyện để tránh trường hợp xấu xảy ra.
Khó từ nhiều phía
Không phải sinh viên nào cũng có được nhận thức như Đỗ Thị Thanh Vy. Chúng tôi gặp một số SV không tham gia BHYT. Khá giật mình khi có em cho rằng, nguyên nhân là do đi khám bệnh bằng thẻ BHYT gặp… quá nhiều khó khăn. Cũng có trường hợp nghèo quá, lo học phí đã “toát mồ hôi” nên SV nhắm mắt bỏ qua việc tham gia mua BHYT. Nhìn chung, đó là những SV không mua BHYT mà chúng tôi đã gặp chưa từng ốm đau nặng nên “chưa biết sợ” và không hiểu giá trị của tấm thẻ BHYT.
Với hàng vạn sinh viên hệ chính quy, việc tham gia BHYT của sinh viên Đại học Huế đã góp một phần không nhỏ vào quỹ BHYT của tỉnh. Những năm qua, các trường đại học thành viên và khoa trực thuộc Đại học Huế dù đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền và vận động sinh viên tham gia BHYT bắt buộc nhưng tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT chưa đạt kết quả như mong muốn.
Khảo sát của cơ quan BHXH tỉnh, một số trường học chưa triển khai hoặc triển khai chưa tốt công tác BHYT đối với HSSV, cụ thể là chưa đưa khoản thu BHYT vào đầu năm học, làm sai họ tên hoặc bỏ sót học sinh, xác định số HSSV có thẻ đối tượng khác chưa chính xác hoặc số HSSV có biến động, việc thu BHYT 2 kỳ trong năm học và việc đào tạo theo tín chỉ khó tập trung sinh viên; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV của nhiều trường học chưa được đảm bảo do thiếu cán bộ y tế và cơ sở vật chất; công tác tuyên truyền về BHYT, đặc biệt là BHYT HSSV tuy có nhiều cố gắng song hiệu quả chưa cao.
Mục tiêu 100%
Thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn yêu cầu BHXH tỉnh thực hiện trích chuyển kịp thời kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cơ sở giáo dục và dạy nghề theo quy định.
Theo ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, để nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia BHYT cần có những giải pháp, như nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, hướng đối tượng vào HSSV. BHXH phối hợp với các trường tăng cường công tác quản lý để loại bỏ, hạn chế sai sót; hướng dẫn tạo điều kiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên cơ sở quy định tuyến khám chữa bệnh để bảo đảm quyền lợi của HSSV. Kêu gọi trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, có chế tài đối với các em không tham gia.
Ông Đỗ Văn Phòng, Phó Trưởng ban Công tác Học sinh - Sinh viên Đại học Huế kiến nghị, để thay đổi theo hướng tăng lên, đối với sinh viên cũng cần có chế tài đủ mạnh, ví dụ có thể xem xét hạ bậc rèn luyện, không xét khen thưởng. Tại trường, nên giao cho phòng công tác sinh viên làm đầu mối thu BHYT. Giải quyết vấn đề này, sẽ làm tốt hơn công tác thúc đẩy sinh viên tham gia BHYT.
Tỷ lệ hoa hồng BHXH chi cho cán bộ làm công tác thu BHYT tại các trường chưa cao, ảnh hưởng đến nhiệt huyết. Thủ tục tham gia BHYT chưa gọn nhẹ. Vẫn chưa có sự thống nhất và cụ thể thời hạn cấp thẻ BHYT cho SV thuộc các đối tượng. Theo quy định, đối tượng HSSV chỉ đăng ký khám chữa bệnh ở tuyến huyện trở xuống. Tuy nhiên, vì nhu cầu cá nhân có thể đi trái tuyến. Mục tiêu BHYT chia sẻ rủi ro, phải tuyên truyền để các em thay đổi nhận thức khi có những suy nghĩ này.
Năm học mới 2020 - 2021 bắt đầu. Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu 100% HSSV ở Thừa Thiên Huế tham gia BHYT để được thụ hưởng đầy đủ quyền được chăm sóc sức khỏe, ngoài sự quyết tâm và nỗ lực của ngành BHXH, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, nhất là ngành giáo dục và đào tạo.