Chỉ là một cách đòi hạ bệ thần tượng của dân tộc
Cập nhật 30/01/2023

Hạ bệ thần tượng của dân tộc – Chủ tịch Hồ Chí Minh – đã trở thành mục đích xuyên suốt của các thế lực có thâm thù với chế độ XHCN của nước ta. Thực hiện mục đích ấy, họ dùng mọi chiêu trò, từ xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp, hình ảnh đến tư tưởng, đạo đức, phong cách… của Người. Ngày 27/01/2023, Việt Nam Thời Báo, với bài: “Cần thay sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh” của Mai Lan đã phủ nhận tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

 

Họ đặt vấn đề: “Nếu “Tư tưởng Hồ Chí Minh” là môn học về “Đạo đức người cộng sản”, có lẽ cần thay đổi giáo trình giảng dạy tương tự như những chương trình cải cách giáo dục, thay sách giáo khoa”. Điều này, thoảng qua có vẻ có lý, nhưng ngẫm lại thì không thể. Đó là sự so sánh đó không hợp lý. Bởi vì:

Sách giáo khoa là xuất bản phẩm cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông[1]. Thuật ngữ sách giáo khoa còn có nghĩa mở rộng là một loại sách chuẩn cho một ngành học. Sách giáo khoa được phân loại dựa theo đối tượng sử dụng hoặc chủ đề của sách. Như vậy, khi thực tiễn thay đổi thì sách giáo khoa cũng phải thay đổi để cập nhật kiến thức mới phù hợp với sự phát triển của tình hình.

Còn “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”[2].

Tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị không chỉ với cách mạng Việt Nam mà còn đối với nhân loại. Đối với cách mạng Việt Nam: Tư tưởng Hồ Chí Minh đưa cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đến thắng lợi và bắt đầu xây dựng một xã hội mới trên đất nước ta. Đồng thời là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam trong thời đại hiện nay. Đối với sự phát triển tiến bộ của nhân loại: Tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần mở ra cho các dân tộc thuộc địa con đường giải phóng dân tộc gắn với sự tiến bộ xã hội và góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Vì vậy, không thể thay đổi nội dung của giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh mà chỉ có thể thay đổi về hình thức thể hiện. Họ đòi thay đổi giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là không thừa nhận tư tưởng của Người. Đây cũng là một cách đòi hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh.

Họ cho rằng: “Từ góc nhìn hẹp về cách mà Đảng đã ra sức hô hào, cổ súy cho “đạo đức người cộng sản” qua “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, rõ ràng khi đặt trong một so sánh của thống kê nêu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, sẽ thấy môn học “Tư tưởng Hồ Chí Minh” không có tính thuyết phục trên thực tiễn”. Theo đó, họ dẫn các số liệu tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý mà Hội nghị trên đưa ra để “chứng minh” cho điều họ nói. Nhưng như thế là không khách quan. Bởi lẽ:

Nhìn vào thực tiễn trong mỗi gia đình, nhất là gia đình đông con, trong mỗi xóm, làng, xã, huyện, tỉnh bên cạnh đại đa số là người tốt vẫn có một số người vi phạm pháp luật, vi phạm nền nếp gia phong, thuần phong mỹ tục của quê hương. Vì số ít những người này mà thay đổi nền nếp gia gia phong, thuần phong mỹ tục của xóm, làng, xã, huyện, tỉnh có được không? Thế mà vì tổ chức đảng, đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm những điều đảng viên không được làm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà họ đòi thay đổi giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh đấy!

Trong khi chúng ta đều biết, để hình thành, phát triển một nhân cách là tổng hợp của nhiều nhân tố; trong đó có 05 nhân tố quan trọng nhất. Đó là: nhân tố di truyền, nhân tố hoàn cảnh sống (gồm hoàn cảnh tự nhiên và hoàn cảnh xã hội), nhân tố giáo dục, nhân tố giao tiếp và nhân tố hoạt động. Các nhân tố đó có vai trò không ngang bằng nhau. Di truyền đóng vai trò là tiền đề vật chất đối với sự hình thành và phát triển nhân cách.

Hoàn cảnh sống của chủ thể bao gồm hoàn cảnh tự nhiên và hoàn cảnh xã hội. Hoàn cảnh tự nhiên nhiên chính là những điều kiện tự nhiên nơi chủ thể sinh sống, không giữ vai trò quan trọng và quyết định trong sự phát triển tâm lý nhân cách. Ngược lại, hoàn cảnh xã hội lại có vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Nói nhân cách là một sản phẩm của xã hội là vì thế.

Giáo dục giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển nhân cách. Với nghĩa rộng, giáo dục bao gồm giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội và giáo dục gia đình.

Giao tiếp đóng vai trò cơ bản trong sự hình thành và phát triển nhân cách. Và hoạt động là nhân tố quyết định trực tiếp đối với sự hình thành và phát triển nhân cách.

Như vậy, để hình thành, phát triển nhân cách có 05 nhân tố cơ bản nêu trên, ngay trong giáo dục đã gồm giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội và giáo dục gia đình. Trong đó, giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là một môn, một nội dung trong giáo dục nhà trường. Thế mà, họ quy kết cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng hư hỏng “đều” do giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh. Để từ đấy, họ cho rằng “cần thay đổi giáo trình giảng dạy” tư tưởng của Người. Đó chỉ là một cách đòi hạ bệ thần tượng của dân tộc ta./.

[1]. Khoản 1 Điều 2 Quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.88.

 

HSV
Tin liên quan
Xem tin theo ngày