Kỷ niệm 153 năm Ngày sinh V.I. Lênin (22/4/1870 – 22/4/2023): Chính sách kinh tế mới vẹn nguyên giá trị
Cập nhật 21/04/2023

Ra đời cách đây 102 năm, chính sách kinh tế mới (NEP) do V.I. Lênin vạch ra vẫn còn nguyên giá trị đối với cách mạng thế giới. Ở Việt Nam, sự vận dụng thành công trong công cuộc đổi mới của Đảng ta cho thấy ý nghĩa to lớn của chính sách này.

 

Quyết sách chiến lược cơ bản

Cuối năm 1920, n­ước Nga Xô - viết ra khỏi nội chiến, chuyển sang xây dựng chế độ xã hội mới trong điều kiện hòa bình, song còn quá nhiều khó khăn với nền kinh tế bị tàn phá nặng nề, tình hình xã hội rối ren… Chính sách Cộng sản thời chiến ra đời nhằm động viên mọi nguồn lực vật chất, lực l­ượng để phục vụ cho chiến tranh tỏ ra không phù hợp trong điều kiện mới. Trư­ớc tình hình trên, tháng 3/1921, V.I. Lênin đã vạch ra chính sách kinh tế mới (NEP).

NEP có những nội dung cơ bản: Thuế lương thực; khôi phục và phát triển quan hệ trao đổi sản phẩm giữa nông nghiệp và công nghiệp; sử dụng các hình thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước; sử dụng các quan hệ hàng hóa - tiền tệ, thực hiện khuyến khích lợi ích vật chất và tinh thần đối với người lao động, khai thác mọi nguồn lực để phát triển lực lượng sản xuất, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới; xây dựng nền đại công nghiệp hùng mạnh, coi đó như một trong những điều kiện nền tảng cho sự phát triển vững chắc của chế độ xã hội chủ nghĩa; sự tồn tại của một cơ cấu kinh tế nhiều thành phần…

Sau hơn 3 năm thực hiện, nước Nga Xô - viết thoát khỏi khủng hoảng, thành quả của cuộc cách mạng được giữ vững, công cuộc xây dựng đất nước theo những yêu cầu của các quy luật khách quan mà NEP đã thể nghiệm thành công được tiếp tục triển khai, với tính cách là chiến lược phát triển. Kinh tế - xã hội nước Nga Xô - viết được cải thiện nhanh chóng. Ngay trong năm 1921, vụ thuế lương thực đầu tiên đạt 90% (mặc dù bị hạn hán và nạn đói nghiêm trọng); từ năm 1922 đến năm 1925, sản lượng lương thực tăng từ 56,3 triệu tấn lên 74,7 triệu tấn, nông nghiệp được phục hồi và phát triển, kéo theo sự khôi phục của công nghiệp, thương nghiệp và giao thông vận tải, đời sống Nhân dân lao động được cải thiện rõ rệt, tình hình chính trị - xã hội dần dần được ổn định…

Đặt trong bối cảnh nước Nga Xô - viết thời điểm năm 1921, NEP thực sự là quyết sách chiến lược cơ bản mang tính cách mạng và sáng tạo, song về sách lược lại là chính sách mềm dẻo và năng động. NEP không chỉ là chính sách kinh tế mà còn là đường lối chính trị đúng đắn và dũng cảm để Nhà nước Nga Xô - viết tháo gỡ khó khăn, điều hành sự phát triển kinh tế - xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa. Những quan niệm mới mẻ và đúng đắn của NEP được thực tiễn xác nhận. Ra đời và thực hiện trong điều kiện đặc thù của nước Nga khi đó, nhưng lịch sử càng lùi xa, càng cho thấy rõ NEP là những vấn đề chung, có tính quy luật đối với một nước kinh tế chưa phát triển, chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa nhưng quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Vận dụng sáng tạo của Đảng ta

Dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân tộc đoàn kết thống nhất ý chí, hành động đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từng bước hiện thực hóa khát vọng độc lập cho dân tộc và ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

Đặc biệt, trong 37 năm đổi mới, Đảng ta đã vận dụng, phát triển sáng tạo NEP của Lênin trong việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, do vậy đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo ra các tiền đề quan trọng để tiếp tục phát triển đất nước trong thời gian tới. Trước những yêu cầu, đòi hỏi mới của thực tiễn, Đại hội XIII của Đảng bổ sung nhiều nhận thức, định hướng mới trong quan điểm về thể chế phát triển, nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hình thành các mô hình kinh tế mới, phát triển các thành phần kinh tế nhất là kinh tế tư nhân được coi là động lực quan trọng.

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, là động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”. Đồng thời chủ trương cần tiếp tục “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

ĐAN DUY/Báo Thừa Thiên Huế

 

Tin liên quan
Xem tin theo ngày