Không thể phủ nhận vai trò tích cực của mạng xã hội, song cũng phải nhận thấy, các thế lực thù địch và bọn tội phạm đã và đang biến nó thành công cụ đắc lực cho các hoạt động phá hoại tư tưởng, “diễn biến hòa bình” và các hoạt động phạm tội khác. Chúng ta cần phải nhận diện đúng những thông tin xấu, độc khi tiếp cận nhằm phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị xã hội của đất nước và xây dựng một môi trường sống an toàn, chất lượng, đặc biệt là đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong quá trình tham gia mạng xã hội, mọi người đều có quyền viết, chia sẻ những gì pháp luật không cấm, qua đó cũng là thể hiện quyền tự do của cá nhân. Tuy nhiên, đối với đảng viên, khi tham gia mạng xã hội ngoài việc chấp hành các quy định pháp luật thì khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhất thiết phải chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và khi nói, viết cần bám sát, thực hiện đúng các quan điểm, đường lối của Đảng; phải có trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trên thực tế, nhiều đảng viên khi tham gia mạng xã hội đã bày tỏ quan điểm cá nhân, chia sẻ những thông tin chưa kiểm chứng, sai trái, độc hại, thậm chí đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, từng bước bộc lộ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, thường xuyên chia sẻ, bình luận trên internet, mạng xã hội những nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, hướng lái dư luận có những nhận xét, đánh giá thiếu khách quan, tiêu cực, thậm chí xuyên tạc, đả kích, đối với tổ chức và cá nhân các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Thực tế, có những đảng viên khi vào mạng xã hội không đọc hết, xem hết nội dung thông tin, không nhạy cảm chính trị mà chia sẽ bài viết “vô tội vạ” đã được người đăng cố tình lồng ghép vào những nội dung xấu độc, thậm chí xuyên tạc, điều này vô tình tiếp tay lan truyền thông tin xấu độc, phản động trên mạng xã hội. Hành động đó của đảng viên không chỉ vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn làm cho cộng đồng mạng bị “đầu độc”.
Về nội dung và bản chất, có thể nhận diện: Thông tin xấu, độc tán phát trên internet và mạng xã hội “là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc”, “đổi trắng, thay đen”. Thông tin xấu, độc làm ảnh hưởng lớn tới nhận thức của người tiếp nhận; làm cho người tiếp nhận có cách nhìn nhận lệch chuẩn. Từ đó, những người tiếp nhận sẽ có những hành động gây bất lợi cho nhà nước ở các phương diện mà họ tiếp cận. Dần dần, những thông tin xấu, độc đó không chỉ bị tiêm nhiễm với người thiếu bản lĩnh mà như một chất xúc tác, thúc đẩy họ chống lại những giá trị cốt lõi được các thế hệ cách mạng đã hy sinh máu xương, trí lực để xây dựng nên. Thực tế cho thấy, nhiều thông tin xấu, độc trong giai đoạn vừa qua đã gây nên sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của không ít người, do họ thiếu cái nhìn khách quan, trung thực, sáng suốt trên chặng đường đóng góp xây dựng xã hội tốt đẹp. Một số cá nhân (có những người trước đó là anh hùng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, là những nhà khoa học có tầm cỡ được chế độ đãi ngộ của Nhà nước), vì thiếu bản lĩnh, thiếu niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, vì lợi ích nhỏ nhen, đã sẵn sàng bán rẻ cả danh dự, nhân phẩm của bản thân, bán rẻ cả quá khứ vinh quang, tốt đẹp... để mưu lợi “rẻ tiền” và nuôi trong mình những ảo tưởng.
Những người tham gia mạng xã hội thường được phân thành 3 nhóm: Một là, nhóm có ý thức tốt, có trình độ nhận thức cao, hiểu rõ, đầy đủ, đúng đắn các vấn đề thực tiễn đất nước, địa phương diễn ra. Họ chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng cách tích cực tuyên truyền quan điểm, tư tưởng, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ. Hai là, nhóm cố tình hiểu sai, cố tình bóp méo, “bôi đen”, xuyên tạc, cố tình nói xấu, vu khống, “thổi phồng” làm sai lệch những giá trị thực, tốt đẹp của Đảng và Nhà nước. Cuối cùng là nhóm vô tình bị lôi kéo, “hùa” theo những ý kiến trái chiều, phản động mà chính bản thân họ cũng chưa thể nhận ra, phần lớn họ là những người có trình độ nhận thức còn hạn chế, thiếu thông tin chính thống, có tâm lý a dua, tâm lý hiếu kỳ, đám đông...
Nguyên nhân của tình trạng này có thể kể đến như: tính chất đặc biệt của mạng internet dễ lan truyền, chia sẻ thông tin, tiếp cận được nhiều người dùng mạng xã hội, dễ “ẩn danh”, xóa dấu vết; hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa theo kịp diễn biến tình hình thực tế; tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, am hiểu công nghệ; sự thiếu hiểu biết, nhận thức hạn chế của người dùng mạng xã hội dễ tiếp tay, lan truyền, phát tán thông tin; năng lực nhận biết, phân loại, đánh giá tác hại của các sản phẩm văn hóa xấu độc còn chưa cao, đặc biệt là việc cập nhật, nhận biết các thông tin sai trái trên mạng xã hội; công tác điều tra, phát hiện, xử lý tội phạm cũng còn gặp nhiều khó khăn…
Nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, ngày 25/10/2021 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm (thay thế Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI); Hướng dẫn số 99-HD/BTGTW, ngày 20/3/2023 về hướng dẫn thực hiện Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 7/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet và mạng xã hội. Những nội dung chính của Quy định số 85-QĐ/TW, Hướng dẫn số 99-HD/BTGTW nhằm mục tiêu nâng cao hơn nữa trách nhiệm, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong việc quản lý, thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; xây dựng môi trường internet, mạng xã hội văn minh, lành mạnh, an toàn. Quy định 85-QĐ/TW có 4 nội dung cơ bản mà các cấp ủy, tổ chức Đảng cần triển khai thực hiện, 6 nội dung cơ bản mỗi cán bộ, đảng viên cần chấp hành; 3 hành vi vi phạm Quy định 85-QĐ/TW mà cán bộ, đảng viên cần tránh và 5 không: “Không tin ngay, không vội đăng tải, không thêm bớt, không vội chia sẻ, không bị kích động và xúi giục” để mỗi cá nhân tự nhắc nhở mình trong việc tham gia mạng xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao sức “đề kháng” cho cán bộ, đảng viên trước âm mưu, thủ đoạn thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi đăng tải tin giả, thông tin sai sự thật, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; xây dựng chuẩn mực văn hóa, văn minh trong ứng xử, tranh luận, phản biện trên không gian mạng.
Về nội dung, thông tin xấu, độc thường lẫn lộn giữa thật và giả, thường được trộn một phần thông tin đúng với thông tin sai, bịa đặt, xuyên tạc…để gia tăng sức mạnh của thông tin, hoặc tạo sự hoài nghi cho đối tượng tiếp cận mà chúng nhằm đến. Để xác định được xem thông tin mà mình tiếp cận là giả hay thật, đúng hay sai, tốt hay xấu, buộc chúng ta cần tiếp cận nhiều với các thông tin chính thống để kiểm chứng và phân định. Nếu không, chúng ta dễ dàng rơi vào bẫy của các thông tin xấu, độc đó lúc nào không hề hay biết.
Có một điều mà người sử dụng các tài khoản mạng xã hội là cần phải có kỹ năng công nghệ thông tin nhất định để kịp thời chặn các nick ảo, lọc, xóa, báo xấu... các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội để góp phần làm cho các thông tin đó không thể lan truyền rộng. Ở một phương diện khác, mỗi cá nhân khi sử dụng mạng xã hội cũng cần cẩn thận cân nhắc khi comment (bình luận), like (thích), share (chia sẻ), dẫn link hay không trước một thông tin, bài viết, hình ảnh về vấn đề nào đó, để tránh vô tình trở thành “cầu nối” để lan tỏa thông tin xấu, độc.
Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ xuyên suốt, thường xuyên và lâu dài, là nhiệm vụ tiên quyết của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên cần được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội, tạo thành một khối đại đoàn kết thống nhất, một tổ hợp lực lượng đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin xấu độc, quan điểm lệch lạc sai trái của các thế lực thù địch. Và điều quan trọng hơn hết, mỗi cán bộ, đảng viên của chúng ta hãy “…dùng smartphone, facebook mỗi ngày chủ động chia sẻ cho nhau một bài báo hay, một clip tốt, viết một bình luận tích cực, tìm kiếm một thông tin tốt đẹp, gửi đi một thông điệp hay để góp phần làm cho công tác tư tưởng tốt hơn…” .
Việc tham gia hay không tham gia mạng xã hội là quyền tự do của mỗi cá nhân. Song với vai trò và nhiệm vụ của cán bộ, công chức, đảng viên đang công tác ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, công chức, đảng viên cũng cần nhận thức đầy đủ về những mặt tích cực và tiêu cực khi sử dụng mạng xã hội, nhất là xác lập thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn của bản thân trong giao tiếp, tiếp nhận, xử lý thông tin trên mạng xã hội để góp phần giữ một môi trường mạnh trong sạch, chuẩn mực và ổn định.