Theo đó, giai đoạn 2019-2020, Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào thực tế địa phương mình để tự xác định chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH. Từ năm 2021 trở đi, Chính phủ sẽ quyết định giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình để triển khai hiệu quả Nghị quyết 28 cũng như Nghị quyết 102, BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều giải pháp, kế hoạch cụ thể như: Ban hành chương trình hành động số 107-Ctr/BCSĐ ngày 16/8/2018 về thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW… Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương như: Quyết định số 2445 về thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH giai đoạn 2019-2020. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Thuế rà soát dữ liệu doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) tham gia BHXH; chủ động đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với những đơn vị, DN trốn đóng, chậm đóng BHXH để xử lý nghiêm theo quy định. Nhờ đó, đến hết năm 2019, toàn ngành đã vận động được 570.000 người tham gia, trong đó riêng năm 2019 phát triển mới được gần 300.000 người, bằng 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện (từ năm 2008-2018). Như vậy, mục tiêu 1% người dân tham gia BHXH tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW vào năm 2021 cơ bản đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Đây được xem là bước đột phá rất lớn trong việc triển khai Nghị quyết 28.
Có thể thấy cùng với vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, bộ, ngành, địa phương sau một năm triển khai Nghị quyết số 28 cũng như Nghị quyết số 102 chính sách BHXH đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT toàn dân. Tuy nhiên để đạt được như mục tiêu Nghị quyết số 28 đề ra đến năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 35%, giai đoạn đến năm 2025 đạt khoảng 45%, giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội... không hề dễ, nhất là khi nhận thức về tham gia BHXH của người dân vẫn còn hạn chế. Cùng với đó không ít ngành, địa phương vẫn coi việc phát triển đối tượng là nhiệm vụ của ngành BHXH.
Thực tế để cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Luật BHXH, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện, đó là: Người tham gia BHXH tự nguyện và thân nhân sẽ được hưởng nhiều quyền lợi như: Hưởng lương hưu (khi nam từ đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên và có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên); được cấp thẻ BHYT để khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT khi đang hưởng lương hưu (không phải mua BHYT); lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với quỹ BHXH; người đang hưởng lương hưu, hoặc người đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên, khi qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần; được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện với thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm; Thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng BHXH… Tuy nhiên số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng (30 triệu lao động ở khu vực phi chính thức chưa tham gia).
Bộ luật Lao động 2019 vừa được Quốc hội thông qua đã bãi bỏ hình thức lao động mùa vụ để hạn chế việc trốn đóng BHXH; ghi nhận hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử; quy định một số tiêu chuẩn lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động...Đây được xem là nhân tố quan trọng về pháp lý để mở rộng độ bao phủ tham gia BHXH. Tuy nhiên để có thể biến quy định đó là cơ hội thì rất cần sự chủ động phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong việc theo dõi chặt chẽ quá trình thành lập DN, khai báo, thống kê lao động thuộc diện tham gia BHXH và kê khai thu nhập tiền lương và quản lý đối tượng tham gia BHXH đúng quy định; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật nhằm giảm thiểu tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT…
Theo TS Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, để đẩy nhanh lộ trình thực hiện độ bao phủ của chính sách BHXH cần thay đổi nhận thức của người lao động và toàn xã hội về chính sách BHXH theo mục tiêu của Đảng và thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về an sinh xã hội vừa là quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động để bảo đảm an sinh xã hội trước những rủi ro có thể xảy ra trong và sau cuộc đời lao động. Quỹ BHXH của mỗi người dân chính là của để dành, tích lũy khi đang làm việc để được hưởng thụ khi tuổi già. Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, quản lý tập trung, đầu tư tăng trưởng để bảo toàn quỹ, được công khai, minh bạch. BHXH là chính sách trụ cột của an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và thúc đẩy phát triển đất nước.