Không khoanh tay chờ dịch đi qua
Cập nhật 11/02/2020
Du khách nước ngoài tham quan Huế vẫn tăng trong những ngày qua. Ảnh: Đình Toàn.

Kể từ ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, công tác phòng chống dịch diễn ra càng khẩn trương, quyết liệt. Từ Trung ương cho tới địa phương, các bộ ban ngành… cùng người dân đồng loạt vào cuộc. Cho dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhưng với sự chủ động ở mức cao nhất, cuộc chiến chống dịch của Việt Nam đã cho thấy những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

 

Với tinh thần chủ động, nhiều địa phương, bộ ngành đã thực sự dồn sức, dồn lực “chống dịch như chống giặc”. Tinh thần ấy lan tỏa toàn xã hội.
Tuy nhiên, cũng không thể vì dồn sức chống dịch mà co mình lại, hoặc là chờ đợi cho dịch đi qua, khiến các hoạt động ngừng trệ. Không chủ quan, lơ là việc chống dịch nhưng cũng không thể khoanh tay chịu trận. Nếu cứ đợi cho dịch đi qua mới hoạt động trở lại thì cũng có nghĩa là rơi vào thế bị động.

Chiều 7/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp thị sát công tác bảo đảm vệ sinh, phòng chống dịch nCoV tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đây là địa phương có nhiều lễ hội sau Tết Nguyên đán, cũng là một trong những trọng điểm du lịch của cả nước. Tại đây, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu trong phòng chống dịch “không được chủ quan, nhưng cũng không được bi quan”; cần làm tốt công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng và phòng dịch tại các di tích, danh lam thắng cảnh, các nơi lưu trú của khách du lịch cũng như ở những nơi công cộng nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân và khách du lịch.

Tiếp đó, ngay trong sáng ngày 8/2, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có công tác phòng chống dịch nCoV, Thủ tướng nhấn mạnh: “Không vì lý do dịch bệnh mà chúng ta thoái chí, bàn lui mà càng cần quyết tâm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực hơn nữa”, kể cả lĩnh vực dịch vụ du lịch, lĩnh vực rất nhạy cảm, chịu ảnh hưởng dịch bệnh. Thủ tướng nhìn nhận, do công tác phòng chống dịch nCoV của Thừa Thiên-Huế làm tốt nên tỉnh vẫn giữ được các hoạt động bình thường, nhất là khách du lịch các nước không bị lây nhiễm bệnh vẫn tới rất đông. Đây là điều đáng mừng mà các địa phương cần học tập để cả ngành du lịch hoạt động bình thường.

Được biết, năm 2019, Thừa Thiên-Huế đón hơn 4,8 triệu du khách. Riêng tại Quần thể di tích cố đô Huế đón hơn 3,5 triệu lượt khách trong và ngoài nước. Năm 2020, mục tiêu đề ra là đón 5,2 triệu lượt du khách.

Mục tiêu đó với Thừa Thiên-Huế quả là thách thức trong tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Và, điều đó cũng không chỉ đối với Thừa Thiên-Huế, mà còn là thách thức chung đối với cả nước. Chỉ tính riêng về lĩnh vực du lịch, thì nhiều địa phương cũng đã và đang phải đối diện với khó khăn. Các địa chỉ thu hút khách du lịch lớn như Quảng Ninh (trong đó chủ yếu là Hạ Long và Móng Cái), Hà Nội, Sa Pa, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh… gần đây lượng khách du lịch giảm. Đó cũng là điều dễ hiểu, vấn đề là làm gì để khôi phục hoạt động trong khi vẫn còn dịch. Đó là bài toán khó. Khó nhưng vẫn phải giải, và giải được mới giỏi.

Trong tổng số du khách quốc tế đến Việt Nam, nhiều năm qua lượng khách đến từ Trung Quốc là rất lớn. Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2020 tăng cao, với mức tăng 72,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, dịch bệnh nCoV xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) đã khiến cho lượng khách du lịch đến từ quốc gia này biến động. Như vậy, cùng với việc tích cực phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người dân cũng như du khách thì việc mở rộng khai thác khách quốc tế từ những thị trường khác là rất quan trọng.
Điều đó phụ thuộc vào nỗ lực của ngành du lịch cũng như của các địa phương, với tinh thần không khoanh tay chờ dịch đi qua. Có nghĩa là cùng một lúc phải hoàn thành tốt hai nhiệm vụ: Phòng chống dịch cùng với đẩy mạnh hoạt động.

Cũng không riêng gì du lịch, các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác cũng rất cần lấy lại thế chủ động. Đã chủ động trong phòng chống dịch thì cũng càng cần chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo Nghị quyết của Quốc hội, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2020 là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP. Dù gặp khó khăn, Chính phủ vẫn quyết tâm không điều chỉnh GDP của năm nay, vì thế các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu… càng phải được xốc lại tinh thần. Nhìn nhận rõ khó khăn, thách thức, từ đó càng phải quyết tâm hơn, nỗ lực nhiều hơn.

Chính vì thế, thông điệp của Thủ tướng đưa ra tại Thừa Thiên-Huế “không vì lý do dịch bệnh mà chúng ta thoái chí, bàn lui mà càng cần quyết tâm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực hơn nữa” phải được biến thành hành động của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Không thụ động đợi dịch đi qua, mà phải chủ động phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa các hoạt động trở lại bình thường như chúng ta đã rất chủ động phòng chống dịch nCoV như suốt những ngày qua.

Theo daidoanket.vn
Tin liên quan
Xem tin theo ngày